Cần bãi bỏ phí đường bộ

Sáng nay (18-6), Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016 và thảo luận ở hội trường về dự án Luật phí, lệ phí.

(SGGPO). - Sáng nay (18-6), Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016 và thảo luận ở hội trường về dự án Luật phí, lệ phí.

Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM), dự án này cần quan tâm đến 3 nội dung khác. Thứ nhất là không chỉ quan tâm đến công khai minh bạch mà phải còn tính công bằng vì thực tiễn có một số khoản thu thiếu công bằng. Thứ hai là giải quyết tốt mối quan hệ hài hòa hợp lý nghĩa vụ, quyền lợi của người dân và trách nhiệm của bộ máy hành chính, công chức. Nền kinh tế phát triển thì người dân phải hưởng lợi nhiều hơn; phải tính đến quyền lợi, lợi ích của người dân một cách hợp lý chứ không phải cung cấp dịch vụ nào cũng tính phí, lệ phí gây nên sự phản cảm. Thứ ba là tuyệt đối không được tính đến lợi nhuận. Còn muốn xã hội hóa thì tách ra khỏi danh mục vì nếu tính lợi nhuận là "rất phản cảm", người dân không đồng tình. Từ căn cứ trên, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM), Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), đều cho rằng cần bãi bỏ các khoản thu phí, lệ phí có số thu thấp nhưng chi phí cao. "Trong đó, cần bãi bỏ khoản thu phí đường bộ vì đây là khoản thu không được người dân đồng tình. Khoản thu này vừa không hợp lý, không công bằng, khó công khai minh bạch, khó thực hiện", ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Cũng đề cập đến những khoản phí không hoàn toàn hợp lý là phí sử dụng tạm lòng, lề đường. ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế), Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định), cho rằng, nếu đặt ra thu phí vô hình trung chấp nhận cho dân kinh doanh lòng lề đường? Khoản phí này dù tạm thời nhưng phải có sự tính toán sao cho tránh thất thu, đảm bảo mỹ quan, tránh ách tắc giao thông. Còn ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), cho rằng, khoản phí này cũng sẽ tạo sự hiểu nhầm là cho phép sử dụng lòng, lề đường. Như vậy sẽ gây mất mỹ quan và cần có lộ trình chấm dứt.

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục