Cần bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa

Do tới đây thực hiện nhiều bộ SGK nên Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định cơ chế tài chính để bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng SGK
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình

Chiều 8-11, trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đề nghị để thể hiện được định hướng phát triển lâu dài và bền vững cho giáo dục Việt Nam, Bộ GD-ĐT cần tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân về Dự thảo Luật theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 26; tổng hợp, làm căn cứ sửa đổi các quy định của Luật bảo đảm hợp lý, có tính khả thi cao.

Đi vào các vấn đề cụ thể, Ủy ban đề nghị làm rõ trong Luật về mô hình trường phổ thông có nhiều cấp học; về khái niệm, sự khác biệt trong cơ chế tài chính giữa cơ sở giáo dục tư thục với cơ sở giáo dục tư thục không vì lợi nhuận; vấn đề sở hữu đối với phần tài sản hình thành trong quá trình tích lũy, tái đầu tư, đặc biệt là phần tài sản chung hợp nhất không chia của các cơ sở giáo dục tư thục không vì lợi nhuận và chính sách ưu tiên cho loại hình này.

Ngoài ra, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định điều chỉnh quá trình chuyển đổi mô hình cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông (GDPT) từ công lập ra ngoài công lập ở những địa phương có khả năng xã hội hoá cao.

Về chương trình, sách giáo khoa (SGK) GDPT, do tới đây thực hiện nhiều bộ SGK nên Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định cơ chế tài chính để bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng SGK, trách nhiệm nhà nước trong đảm bảo cung cấp SGK cho vùng dân tộc thiểu số; quy định cụ thể về việc các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; về Hội đồng và quy trình thẩm định, bảo đảm công bằng trong thẩm định, phê duyệt SGK.

Ủy ban tán thành việc không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở (THCS) công lập; hỗ trợ đóng học phí đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; ủng hộ việc giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện chính sách này, trước mắt ưu tiên triển khai thực hiện chính sách này ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Có ý kiến đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định Chính phủ có lộ trình mở rộng đối tượng, không thu học phí đối với trẻ em dưới 5 tuổi khi cân đối được nguồn lực.

Về chính sách tín dụng sư phạm, Ủy ban cơ bản tán thành bổ sung quy định cho vay tín dụng sư phạm cũng như việc hoàn trả đối với những trường hợp người học không có nhu cầu sử dụng tín dụng sư phạm nhưng ra trường vẫn làm trong ngành giáo dục.

Tuy nhiên, để thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm và đảm bảo đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn tới, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định rõ việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, chương trình đào tạo, quy mô đào tạo gắn với điều kiện bảo đảm chất lượng; dự báo nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực; tạo điều kiện cho sinh viên sư phạm ra trường có cơ hội tìm được việc làm.

Cũng có ý kiến đề nghị giữ lại quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm và chế độ phân công công tác theo kết quả đầu ra để thể hiện chính sách ưu tiên, quy hoạch của Nhà nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.

Đa số thành viên Ủy ban cơ bản tán thành với quy định nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, làm rõ sự cần thiết của việc nâng chuẩn trình độ cao đẳng đối với giáo viên mầm non, trong khi tình trạng thiếu giáo viên mầm non chưa được khắc phục, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo viên mầm non chưa đạt yêu cầu, giáo viên mầm non ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi chủ yếu làm nhiệm vụ nuôi nhiều hơn dạy.

Về chính sách lương đối với nhà giáo, đa số ý kiến của Ủy ban đồng tình với quy định về lương nhà giáo phải tương xứng với đặc thù nghề, với vị trí, vai trò của nhà giáo. Quy định này đã phù hợp với Nghị quyết số 27 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng Nghị quyết 27 quy định chính sách lương chung cho các ngành, lĩnh vực, chưa tính đến đặc thù riêng của nghề giáo. Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định cụ thể trong dự thảo Luật về chính sách lương bảo đảm tương xứng với đặc thù nghề nghiệp, vị trí, vai trò của nhà giáo; về trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ chức năng trong xây dựng chính sách tiền lương và quản lý biên chế.

Về thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình GDPT, đa số ý kiến Ủy ban cho rằng, việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT là cần thiết để điều chỉnh việc dạy học và đánh giá kết quả của quá trình GDPT; cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh chính sách giáo dục cũng như tuyển sinh đại học.

Ủy ban đồng ý quy định về thi và cấp bằng tốt nghiệp THPT như trong Dự thảo Luật và đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể trong các văn bản dưới Luật. Về quy định nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình GDPT theo yêu cầu của học sinh, Ủy ban cơ bản đồng ý và cho rằng đây là điều kiện cần để tăng cường thúc đẩy phân luồng, liên thông.

Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định cụ thể trong Luật cơ chế liên thông giữa các cấp, hệ đào tạo; quy định quy trình bảo đảm việc học sinh sau tốt nghiệp trung cấp nghề có thể tiếp tục học các trình độ cao hơn một cách thuận lợi khi họ có nguyện vọng.

Về mô hình trường công lập cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao, trong thực tế, mô hình trường công lập cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao đang tồn tại và phát triển ở nhiều địa phương, nhất là các thành phố lớn; hoạt động theo các quy chế đặc thù riêng, các văn bản dưới Luật.

Ủy ban cho rằng, mô hình giáo dục chất lượng cao nên khuyến khích phát triển tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục nhằm huy động sự chia sẻ, sự tham gia của cộng đồng, của xã hội, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người học. Trên quan điểm đó, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định về mô hình này.

Về chính sách ưu tiên phát triển nhân tài, Ủy ban cho rằng quy định về chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân tài chưa được thể hiện một cách đầy đủ trong Dự thảo Luật. Đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định rõ hơn. Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, quy định chính sách phù hợp đối với hệ thống trường chuyên tại các tỉnh, thành phố; có ý kiến đề nghị cân nhắc chuyển tên gọi trường chuyên là trường năng khiếu nhằm thể hiện năng lực đặc thù trong khoa học như với các lĩnh vực năng khiếu khác: thể thao, nghệ thuật...

Tin cùng chuyên mục