Để thay đổi nhận thức, thói quen xả rác ra đường, kênh rạch của người dân, trước hết, mỗi đảng viên, cán bộ ở cơ sở phải là những người nói không với hành vi xả rác; phải là tuyên truyền viên trong bảo vệ môi trường. Cán bộ, đảng viên phải đi đầu, gương mẫu, người dân mới làm theo, không vi phạm. Đối với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương, khi nhận được phản ánh, phát giác của người dân về hành vi xả rác, vi phạm môi trường phải vào cuộc, phối hợp nhanh, xử lý dứt điểm để răn đe cá nhân, tổ chức vi phạm, qua đó tạo niềm tin, sự đồng thuận trong dân.
Theo UBND quận Bình Tân, thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU, từ cuối năm 2018 đến nay, quận triển khai nhiều mô hình, cách làm mới, sáng tạo, qua đó góp phần kéo giảm đáng kể tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch. Nổi bật như mô hình “Chụp ảnh, quay phim hành vi xả rác của cá nhân, đơn vị vi phạm môi trường gửi đến cơ quan chức năng trên ứng dụng Bình Tân công dân số”.
Với cách làm trên, chính quyền, ngành chức năng kịp thời phát hiện, xử lý, khắc phục vi phạm, người dân vì thế ngày càng ý thức hơn, thay đổi hơn thói quen xấu đổ rác ra đường, kênh rạch. Đến nay, công tác kéo giảm ô nhiễm môi trường, chống ngập nước tại quận Bình Tân đạt nhiều kết quả: giảm thiểu 90% mức độ ô nhiễm nguồn nước mặt (kênh rạch không có rác), 90% nguồn khí thải công nghiệp được xử lý đạt quy chuẩn môi trường, 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tập trung đạt quy chuẩn, 9 điểm đen xả rác được xóa bỏ…