Theo BS Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM, tại điểm tiếp nhận máu của bệnh viện (118 Hồng Bàng, phường 12, quận 5), đến thời điểm hiện tại luôn trong tình trạng vắng bóng người đến hiến máu tình nguyện, trong khi ngân hàng máu của bệnh viện vẫn phải đảm bảo cấp phát máu theo yêu cầu sử dụng của các bệnh viện trên địa bàn (khoảng 600 túi/ngày). Từ ngày 23-3 đến 28-3, số lượng máu hàng ngày tiếp nhận được chỉ đạt 50% lượng máu phát ra. Và kể từ ngày 29-3 đến nay, số lượng máu tiếp nhận chỉ đạt 10% lượng máu phát ra. “Hầu hết lịch hiến máu lưu động trong tháng 4 đã được đăng ký từ trước đều đã gửi thông báo ngừng tổ chức. Do đó, kho dự trữ máu của TPHCM đang giảm dần. Chúng tôi dự kiến đến ngày 14-4 sẽ giảm đến ngưỡng báo động và TP sẽ rơi vào tình trạng khan hiếm máu thật sự”, BS Phù Chí Dũng lo lắng.
Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, nơi cung cấp máu cho các bệnh viện thuộc các tỉnh miền Đông Nam bộ, cũng đang có nguy cơ cạn kiệt nguồn máu dự trữ. Theo TS-BS Lê Hoàng Oanh, giám đốc trung tâm, hiện kho máu dự trữ của bệnh viện có khoảng 3.200 đơn vị máu, việc cấp phát cho các bệnh viện trong khu vực Đông Nam bộ vẫn thực hiện đều đặn mỗi ngày nhưng lượng máu thu về lại rất ít.
Để có đủ lượng máu cung cấp cho các bệnh viện trong TP, bác sĩ Phù Chí Dũng đề nghị UBND TP và Ban Chỉ đạo vận động hiến máu TPHCM có văn bản chỉ đạo riêng cho UBND và Hội Chữ thập đỏ 24 quận huyện tiếp tục duy trì các đợt hiến máu tình nguyện lưu động đã đăng ký theo lịch, đồng thời hỗ trợ kêu gọi các ban ngành đoàn thể tích cực phối hợp với Trung tâm Hiến máu nhân đạo và Bệnh viện Truyền máu Huyết học tổ chức Ngày hội hiến máu nhân dịp Ngày Toàn dân hiến máu.