Cần cải thiện đồng bộ hạ tầng thu gom và xử lý rác thải

Chịu sức ép với hơn 10 triệu dân, tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật để tiếp nhận, thu gom và xử lý chất thải tại TPHCM lại không được đầu tư đồng bộ tương ứng. 

Hợp nhất dân lập nhưng lại phân tán chính quy

Từ năm 2006 đến nay, TPHCM đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Tình trạng chuyển giao rác thải chưa phân loại vẫn còn ở nhiều nơi dù thành phố đã mở nhiều đợt tuyên truyền, vận động tại các địa bàn dân cư. Nhiều chuyên gia môi trường cho rằng, nguyên nhân là do sự thiếu đồng bộ trong hoạt động thu gom và quét dọn rác thải.

Hiện trung bình mỗi ngày TPHCM thu gom và xử lý hơn 9.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó 60% lượng rác do hệ thống dân lập thu gom. Lực lượng này thường thu gom từ các tuyến đường phụ, hẻm nhỏ len lỏi trong khu dân cư. Phương tiện sử dụng rất thô sơ, chủ yếu là xe ba gác, đẩy tay, xe lôi tự chế… không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh môi trường. Lực lượng này không chịu sự quản lý của đơn vị nào, nên không chấp hành những quy định thu gom rác phân loại cũng như kết nối chuyển giao rác thải tại các điểm hẹn với lực lượng thu gom chính quy. 

Cần cải thiện đồng bộ hạ tầng thu gom và xử lý rác thải ảnh 1 Thu gom rác tại quận 8. Ảnh: THÀNH TRÍ
Còn với lực lượng thu gom rác chính quy, việc phân tán hoạt động thu gom, quét dọn dàn trải cho 23 công ty dịch vụ công ích cũng khiến phát sinh bộ máy cồng kềnh. Hiệu quả đầu tư và sử dụng trang thiết bị phục vụ công tác vệ sinh môi trường theo đó cũng dàn trải nên hiệu suất kém, chi phí thực hiện lại rất cao. Từ năm 2017, TPHCM đã chỉ đạo các quận huyện phải thực hiện chương trình phân loại rác tại nguồn, nhưng do các công ty công ích không đủ chi phí đầu tư cho nguồn nhân lực và trang thiết bị, cộng thêm chi phí mà các quận huyện chi trả cho hoạt động thu gom rác cũng không bao gồm chi phí thu gom rác thải phân loại, nên hiện vẫn chưa triển khai được. 

Theo ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, kể từ khi phân cấp về cho các quận huyện thực hiện đấu thầu thu gom, quét dọn rác thải, rất nhiều vấn đề bất cập phát sinh. Các quận huyện chỉ đấu thầu thu gom một số lượng rác thải cũng như thực hiện quét một số diện tích mặt đường nhất định, trong khi tổng lượng rác phát sinh và diện tích mặt đường cần vệ sinh thực tế cao hơn rất nhiều.

Thực tế này dẫn đến kết quả các công ty công ích quận huyện chỉ làm đúng cấu phần công việc được trả chi phí. Về tần suất quét dọn rác cũng chỉ thực hiện một lần/ngày. Đó chính là lý do luôn xảy ra tình trạng rác tràn ngập thành phố, đặc biệt nhiều tại những khu vực giáp ranh các quận huyện, tuyến đường liên quận.

Thiếu đồng bộ, sẽ gây lãng phí 

Ông Lê Trung Tuấn Anh, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, cho biết UBND TPHCM đã chỉ đạo đến tháng 10-2019, các tổ chức, cá nhân tham gia lĩnh vực thu gom, vận chuyển rác thải phải chuyển đổi phương tiện hoạt động đáp ứng tiêu chuẩn của thành phố. Cụ thể, thu gom rác phải là thùng rác 220 lít; phải có hệ thống nâng để tải thùng rác…, chấm dứt sử dụng xe ba gác, xe lôi tự chế. Tuy nhiên, thực tế này rất khó thực hiện. 

Mặt khác, việc phân tán trong hoạt động thu gom, quét dọn của lực lượng chính quy hiện nay rất khó để chuyển đổi cũng như đồng bộ hạ tầng trang thiết bị thu gom, quét dọn rác. Theo ý kiến của nhiều công ty dịch vụ công ích, cần rà soát và đánh giá tổng thể hiện trạng chất lượng môi trường thành phố hiện nay. Cần thiết phải phân tách rõ khâu thu gom, quét dọn và xử lý rác thải. Với khâu xử lý rác thải, có thể thực hiện xã hội hóa. Riêng khâu thu gom và quét dọn, nhất thiết phải có sự hợp nhất đầu mối để tinh gọn bộ máy quản lý, đồng bộ hạ tầng trang thiết bị, đồng thời tận dụng tối đa hiệu suất đầu tư và sử dụng trang thiết bị chuyên dụng.

Ông Tống Văn Thơm, Nghiệp đoàn thu gom rác dân lập quận 5, nói rằng không thể có được hơn 100 triệu đồng để chuyển đổi phương tiện thu gom. Bởi đa số người hoạt động thu gom rác dân lập là dân nhập cư, điều kiện kinh tế khó khăn nên không có vốn cũng như cơ sở thế chấp vay vốn đầu tư.

Quan trọng hơn, sẽ tạo nền tảng để đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ 4.0, tiến tới cơ giới hóa hoạt động thu gom, quét dọn rác thải, giảm thiểu ngân sách đầu tư chi trả cho hoạt động môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cần minh bạch rõ quyền lợi của các đơn vị thu gom rác dân lập khi tham gia vào các đơn vị chính quy, đồng thời xây dựng lộ trình để chuyển đổi phù hợp.

Riêng với chương trình phân loại rác tại nguồn, chỉ nên thực hiện khi đơn vị thu gom đã đồng bộ hạ tầng tiếp nhận rác phân loại. Lịch thu gom rác thải vô cơ, hữu cơ cũng phải được xác định rõ và phổ biến đến từng hộ dân. Đơn vị thu gom phải được quyền hoặc áp dụng biện pháp chế tài nếu người dân không chịu phân loại và chuyển giao đúng loại rác theo lịch trình quy định. Tránh tình trạng cứ tuyên truyền nhưng chưa đồng bộ khâu thu gom, gây mất lòng tin trong cộng đồng dân cư. Về chi phí thu gom cũng cần phải tính đúng, tính đủ và chi trả kịp thời, để đảm bảo khâu vận hành hoạt động của các đơn vị. Có như vậy mới đẩy nhanh hiệu quả cải thiện hoạt động vệ sinh môi trường trên địa bàn TPHCM.

Tin cùng chuyên mục