Cần cơ chế kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn lợi dụng đầu tư công để trục lợi, tham nhũng

Lo lắng có chuyện lợi dụng nguồn vốn đầu tư công để trục lợi, Đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí (tỉnh Khánh Hòa) đề nghị, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm công tác đầu tư công đúng mục đích, đạt hiệu quả, ngăn chặn tình trạng lợi dụng đầu tư công để trục lợi, tham nhũng và gây lãng phí nguồn lực của đất nước.

Ngày 2-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024…

Tránh tình trạng áp lực giải ngân bằng mọi giá

Thời gian qua, nhiều dự án, công trình trọng điểm, quan trọng của đất nước được triển khai và hoàn thành, mang lại hiệu quả tích cực. Đầu tư công ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò dẫn dắt, thu hút các nguồn lực đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước, tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường, sáng 2-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường, sáng 2-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Bên cạnh những kết quả, một số ý kiến cũng chỉ ra vẫn còn những tồn tại, hạn chế từ việc sử dụng nguồn vốn cho đầu tư công. Đại biểu Quốc hội (ĐB) Lê Hữu Trí (tỉnh Khánh Hòa) cho rằng, việc đầu tư công thời gian qua vẫn còn nhiều vướng mắc cần được sớm tháo gỡ.

Trên tổng thể thì công tác đầu tư công vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện, nguồn vốn đầu tư còn phân tán. Nhiều chương trình chưa ưu tiên tập trung tối đa nguồn lực để đầu tư phát triển nhanh. Kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công chưa nghiêm, chưa trở thành nề nếp, còn phụ thuộc vào tính quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

“Việc thực hiện chủ trương lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư, thu hút nguồn lực đầu tư khu vực ngoài nhà nước và đầu tư theo phương thức đối tác công tư chưa thực sự mang lại hiệu quả”, ĐB Lê Hữu Trí nhận định.

ĐB Lê Hữu Trí. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Lê Hữu Trí. Ảnh: QUANG PHÚC

Trong đó, ĐB đề nghị, cần xác định nguyên nhân, hạn chế để đưa ra các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Đặc biệt là nguồn vốn đầu tư công cần tập trung vào việc xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia; vốn đầu tư công cần được thực hiện đúng mục đích, đạt hiệu quả, tránh lợi dụng nguồn vốn để trục lợi.

Một yêu cầu hiện nay trong đầu tư công là chỉ đạo triển khai các giải pháp thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Dù vậy ĐB Lê Hữu Trí cho rằng, vấn đề quan trọng là việc đầu tư phải đúng mục tiêu, từng công trình dự án phải phát huy hiệu quả và bảo đảm chất lượng, tránh tình trạng áp lực giải ngân bằng mọi giá.

“Đồng thời, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm công tác đầu tư công đúng mục đích, đạt hiệu quả, ngăn chặn tình trạng lợi dụng đầu tư công để trục lợi, tham nhũng và gây lãng phí nguồn lực của đất nước”, ĐB Lê Hữu Trí đề nghị.

Dùng nguồn thu xổ số kiến thiết cho đầu tư công

ĐB Nguyễn Trúc Sơn (tỉnh Bến Tre) cho rằng, 21 tỉnh thành phía Nam có lợi thế là có nguồn thu từ xổ số kiến thiết. Nguồn này cũng phục vụ cho đầu tư công. Quá trình chi từ nguồn này, theo chính sách của Chính phủ, vừa qua đang dành hết cho giáo dục, y tế, xây dựng nông thôn mới.

ĐB đề nghị, nên để HĐND của các tỉnh thành quyết định việc sử dụng nguồn thu từ xổ số kiến thiết này cho những công trình có vai trò quan trọng với phát triển kinh tế của địa phương.

ĐB Nguyễn Trúc Sơn. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Trúc Sơn. Ảnh: QUANG PHÚC

Bên cạnh đó, ĐB cho rằng, hiện nay, chúng ta đang tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, nhưng bên cạnh tự chủ cũng cần tạo điều kiện phù hợp để các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu, để đảm bảo thu nhập, cuộc sống cho các cán bộ, nhân viên.

Trong khi đó, các bộ, ngành trung ương chưa có hướng dẫn đầy đủ về tính đúng, tính đủ các dịch vụ để các đơn vị sự nghiệp công lập có điều kiện tự chủ. ĐB đề nghị Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm đến vấn đề quan trọng này.

Thí điểm tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập

ĐB Thái Thị An Chung (tỉnh Nghệ An) nhìn nhận, công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều vướng mắc. Do đó, ĐB đề nghị cùng với việc sửa đổi hệ thống pháp luật về đất đai, Chính phủ cần sớm hoàn thành việc nghiên cứu để trình Quốc hội xem xét, quyết định, thí điểm tách công tác bồi thường, bố trí tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập để thực hiện ở một số địa phương.

Tin cùng chuyên mục