Cần có chính sách với nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 3

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến về Dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi). Ngoài những đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công theo pháp lệnh hiện hành, chính sách đối với thế hệ thứ 3 nhiễm chất độc da cam (CĐDC) cũng được nêu ra. 

Chiến tranh lùi xa 45 năm, nhưng những di họa đớn đau đối với các nạn nhân CĐDC vẫn còn. Những đứa trẻ sinh ra đã tật nguyền, không thể phát triển trí tuệ và thể chất như bao trẻ em bình thường khác. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có chế độ trợ cấp của Nhà nước dành cho các em.

Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA), CĐDC/dioxin khiến 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm; hơn 3 triệu người là nạn nhân, trong đó có nhiều nạn nhân là trẻ em thế hệ thứ hai, thứ ba. Hàng trăm ngàn người khác đang từng ngày, từng giờ vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Nhiều trẻ em sinh ra đã dị dạng, dị tật, sống đời sống thực vật... Thống kê của VAVA, hiện vẫn còn khoảng 100.000 trường hợp người tham gia kháng chiến chưa được hưởng các chính sách về nhiễm CĐDC do bị thất lạc giấy tờ, chưa xác định cụ thể loại bệnh. Đặc biệt là thế hệ thứ 3, hầu hết đều bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống thực vật, nhưng đối tượng này chỉ được hưởng chế độ bảo trợ xã hội, không có điều kiện để chăm sóc sức khỏe và nuôi dưỡng. 

Cụ thể như tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, qua thống kê chưa đầy đủ của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin và Bảo trợ xã hội tỉnh, toàn tỉnh có trên 3.800 nạn nhân CĐDC. Trong đó, gần 1.400 người bị ảnh hưởng trực tiếp, hơn 2.400 người ảnh hưởng gián tiếp, nhưng mới chỉ có 952 trường hợp được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Riêng nạn nhân CĐDC thế hệ thứ 3 có khoảng 50 cháu thì chưa trường hợp nào được hưởng chế độ của Nhà nước liên quan đến nạn nhân CĐDC. Các cháu đều mắc những căn bệnh liên quan đến CĐDC như: bại não, liệt tứ chi, dị dạng toàn thân, bệnh down, tâm thần phân liệt.

Những nạn nhân này đều gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt cá nhân, phải có sự trợ giúp của người thân và trở thành gánh nặng cho gia đình. Hàng năm, các cấp hội, cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương, các mạnh thường quân quan tâm giúp đỡ, thăm hỏi, tặng quà, trợ cấp… cho các nạn nhân. Nhưng nhìn chung, đời sống kinh tế của cha mẹ các cháu và hàng trăm cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong nhiễm CĐDC trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn rất nhiều khó khăn. Hầu hết các nạn nhân đều mang trong mình bệnh tật, sức khỏe yếu, ốm đau nằm viện dài ngày hoặc mắc các chứng bệnh nan y, hiểm nghèo.

Theo quy định pháp luật hiện hành, đối tượng hưởng chính sách ưu đãi mới chỉ dừng lại ở thế hệ thứ 2 của nạn nhân nhiễm chất độc hóa học. Các thế hệ kế tiếp (cháu của người hoạt động kháng chiến) chưa thuộc đối tượng trong danh sách được hưởng chế độ trợ cấp cho nạn nhân chất độc hóa học. Hiện, Thông tư liên tịch số 20/2016 của liên Bộ Y tế - Bộ LĐTB-XH cũng mới chỉ hướng dẫn khám giám định bệnh tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ. Nạn nhân là thế hệ thứ 3 chưa có văn bản hướng dẫn nào của Bộ Y tế để giám định về các trường hợp này. Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần xem xét thấu đáo để có cơ sở pháp lý trong chính sách đối với nạn nhân CĐDC thế hệ thứ 3.

Tin cùng chuyên mục