Căn cứ nào để kết luận Trịnh Xuân Thanh khai báo quanh co và không thành khẩn?

Ngày 10-1, phiên tòa xét xử 22 bị cáo trong vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) tiếp tục nội dung thẩm vấn. 

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại phiên tòa xét xử ngày 10-1
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại phiên tòa xét xử ngày 10-1

Hội đồng xét xử đã dành thời gian để các luật sư tham gia xét hỏi các bị cáo và những người có liên quan tới vụ án về những vấn đề liên quan đến dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Tại phiên thẩm vấn, luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã hỏi điều tra viên dựa vào căn cứ nào để kết luận Trịnh Xuân Thanh khai báo quanh co và không thành khẩn. Trước câu hỏi khá bất ngờ trên, điều tra viên của Bộ Công an tới tham dự phiên tòa trả lời: Trong quá trình hỏi cung các bị can, Cơ quan điều tra đã trên tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng ý kiến của các bị can và thực hiện theo quy trình của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Sau khi hỏi cung, bị can đã được cho đọc lại biên bản và ký biên bản. “Chúng tôi kết luận Trịnh Xuân Thanh quanh co, chối tội là thực tế, với những chứng cứ và lời khai của các bị can khác, ngay cả trong phần tòa thẩm vấn hai ngày hôm nay đã thể hiện những lời khai của các bị cáo khác về hành vi của Trịnh Xuân Thanh tương đối rõ ràng. Tuy nhiên với lời khai của Trịnh Xuân Thanh thể hiện trong hồ sơ vụ án cho thấy Trịnh Xuân Thanh không xác nhận nội dung trên, nhưng chúng tôi vẫn tôn trọng bị can, không ép buộc bị can...”- điều tra viên nói.

Trước đó,  Luật sư Phạm Công Hùng bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN) và bị cáo Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng-Quảng Trạch thuộc PVC) đã hỏi giám định viên về căn cứ pháp lý để kết luận giám định xác định PVC và PVN thiệt hại hơn 119 tỷ đồng từ hành vi chi, sử dụng sai hơn 1.115 tỷ đồng dùng cho thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Trước câu hỏi của luật sư, đại diện giám định viên 3 Bộ: Tài chính, Xây dựng và Kế hoạch & Đầu tư, cho biết: Chúng tôi giám định trên cơ sở trưng cầu của Cơ quan An ninh điều tra. Các bước tiến hành giám định thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên giám định viên không trả lời những thiệt hại cụ thể mà đề nghị luật sư xem chi tiết trong bản kết luật giám định ngày 11-12-2017 của giám định viên 3 bộ chức năng.

Đáng chú ý, trước đó, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN) khi trả lời thẩm vấn trước tòa đã khẳng định số tiền dùng để tạm ứng cho PVC nằm trong tài khoản thanh toán, lãi suất chỉ khoảng 2%. Do đó, bị cáo Sơn cho rằng, giám định viên tính thiệt hại bằng lãi suất bình quân tài khoản tiền gửi đầu tư là 14% để quy kết thiệt hại là không chính xác vì không ai chuyển tiền từ tài khoản thanh toán sang tài khoản đầu tư. Từ phân tích của mình, bị cáo Sơn đề nghị HĐXX cho giám định lại để xác định mức độ thiệt hại chính xác hơn.

Trả lời câu hỏi của luật sư về đánh giá mức thiệt hại do giám định viên 3 bộ xác định, ông Đinh La Thăng cho biết:  Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đưa cho tôi bản kết luận giám định ngày 11-12-2017. Nhưng do thời gian đã cuối giờ mà quy định của trại tạm giam là không làm việc nữa nên tôi không có điều kiện đọc. Ông Thăng cùng bày tỏ việc tôn trọng kết luận giám định nhưng đề nghị xác định lại giá trị thiệt hại của vụ án nhất là cách tính giá trị thiệt hại bao gồm lãi suất tối thiểu. Theo ông Thăng, một doanh nghiệp có nhiều tài khoản, tiền thanh toán hàng ngày để trong tài khoản thanh toán nên không thể lấy lãi suất tiền gửi để tính thiệt hại tiền thanh toán. “Khi xác định PVC dùng tiền sai mục đích thì PVN có thể đòi lại...”- ông Thăng nói.

Theo cáo trạng, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, ông Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV PVN) có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định, sau đó chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban quản lý dự án căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng hơn 6,6 triệu USD, trên 1.312 tỷ đồng cho PVC để bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT PVC) và đồng phạm sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng sai mục đích không đưa vào dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 119 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục