Góp ý cho sửa đổi Luật Giáo dục, PGS-TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, nhiều nước không đưa GDMN điều chỉnh trong Luật Giáo dục mà điều chỉnh trong lĩnh vực an sinh xã hội. Vì GDMN chủ yếu là chăm sóc y tế, phát triển thể chất, đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, thông qua vui chơi, giải trí để các cháu nhận biết thế giới xung quanh. Chính sách của Nhà nước tập trung tạo điều kiện để người mẹ chăm sóc con trong độ tuổi mầm non (tăng thời gian nghỉ đẻ và thực hiện chế độ phụ cấp bằng tiền cho người mẹ khi đẻ và nuôi con). Ở những nơi nhà nước có nhu cầu, thì khuyến khích các tổ chức cá nhân thành lập các cơ sở tư thục chăm sóc trẻ ở tuổi mầm non. Chi phí do cha mẹ đảm nhận thông qua học phí.
Từ kinh nghiệm của nhiều nước, bà Trần Thị Tâm Đan khuyến nghị cần đẩy mạnh xã hội hóa trong chăm sóc trẻ em độ tuổi mầm non, coi đó là một yêu cầu có ý nghĩa quyết định đến phát triển GDMN theo hướng chuẩn hóa và nâng cao chất lượng. Muốn vậy, cần có chính sách cụ thể để khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập các cơ sở GDMN ngoài công lập ở những nơi có nhu cầu cao, nhất là ở các đô thị, khu công nghiệp.
“Cần đa dạng hóa các loại hình cơ sở GDMN công lập, ngoài công lập, nhóm trẻ gia đình, cha mẹ tổ chức chăm sóc tại gia đình. Cơ quan quản lý Nhà nước cần ban hành các tiêu chuẩn thành lập cơ sở GDMN ngoài công lập phù hợp với từng loại cơ sở giáo dục”, PGS-TS Trần Thị Tâm Đan nêu.
Theo PGS-TS Trần Thị Tâm Đan, để bảo đảm chất lượng GDMN, không để xảy ra tình trạng bạo hành trẻ như thời gian qua, cần có quy định đối với người trực tiếp chăm sóc trẻ ở các cơ sở ngoài công lập phải có bằng hoặc chứng chỉ đã được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ chăm sóc trẻ mầm non và có phẩm chất đạo đức phù hợp. Cần nghiêm cấm tuyển dụng người chưa qua đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ trực tiếp chăm sóc trẻ mầm non.
GS-TS Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, GDMN giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành nhân cách, thể chất và trí tuệ của con người. GDMN là tiền học đường, vì vậy việc chăm lo phải kết hợp giữa gia đình và xã hội. “Mầm non có thể hiểu từ lúc người mẹ mang thai đến khi trẻ chào đời đến 6 tuổi vào lớp 1. Do đó, vai trò người mẹ và xã hội hết sức quan trọng đối với việc hình thành thể chất của người công dân tương lai” - GS-TS Nguyễn Đình Hương nêu và cho rằng, cần quy định giáo viên mầm non có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên. Lương của giáo viên mầm non được hưởng theo năng lực và trình độ đào tạo. Khuyến khích giáo viên có bằng tốt nghiệp cao đẳng giảng dạy ở các cơ sở GDMN.
Dù GDMN có tầm quan trọng như vậy nhưng theo nhiều ý kiến, vẫn chưa có sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng cho bậc học này.
Theo PGS-TS Chu Hồng Thanh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD-ĐT), dự thảo Luật Giáo dục xác định: bình đẳng về cơ hội học tập và các ưu tiên đối với người nghèo, người có năng khiếu phát triển tài năng, con em dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, người tàn tật, khuyết tật và đối tượng được hưởng chính sách khác… Nhưng không hề nhắc đến ưu tiên cho trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, mầm non.
PGS-TS Chu Hồng Thanh kiến nghị, nên nhấn mạnh quyền được hưởng thụ giáo dục của trẻ em đồng thời nghĩa vụ của Nhà nước, trẻ em dưới 6 tuổi phải đương nhiên có đủ quyền và không có bất cứ nghĩa vụ hay bổn phận kèm theo. Bên cạnh đó, cần có chương trình riêng phù hợp với từng lứa tuổi nhà trẻ và mẫu giáo. Mặt khác, do GDMN mang đậm nét của cộng đồng dân cư nên cần bổ sung vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ sở trong việc tham gia xây dựng các chương trình GDMN phù hợp…