Lâu nay đã thành thông lệ, sau mỗi lần đại hội hay hội nghị Ban Chấp hành TƯ, các tổ chức cơ sở Đảng tổ chức các đợt học tập, nghiên cứu nghị quyết.
Mỗi đợt học tập thường qua 4 bước: Trước tiên, giảng viên (báo cáo viên) được mời đến trình bày nghị quyết. Tùy vị trí vị thế của đơn vị mà chất lượng báo cáo viên được mời có khác nhau. Tuy nhiên, có báo cáo viên trình bày không khác gì việc đọc lại nghị quyết nghe chung ở hội trường…
Thứ hai, chia tổ ra thảo luận (thường theo đơn vị chi bộ). Việc thảo luận có khi có câu hỏi để tập trung thảo luận, cũng có những buổi thảo luận chất lượng chưa cao, toàn nói những chuyện tiêu cực, bức xúc trong xã hội, nhiều thực trạng thiếu giải pháp, không gắn gì tình hình đơn vị.
Kế đến, có thể giảng viên, báo cáo viên giải đáp các ý kiến thắc mắc trên hội trường. Cuối cùng, là việc viết thu hoạch cá nhân, xây dựng chương trình hành động của cá nhân và đơn vị.
Cách học này đã thành nền nếp, thói quen lâu nay, xét cho cùng, đã làm cho đảng viên thiếu động não, thiếu tính đối thoại, tranh luận, phản biện để nhìn vấn đề theo nhiều phía, nhiều chiều… Có cái gì đó chưa thật sòng phẳng, dân chủ trong tiếp thu lý luận, còn có biểu hiện bao cấp về tư duy.
Thiết nghĩ cần phải đổi mới tư duy về học tập nghị quyết. Nên chăng trước mỗi đợt học nghị quyết, yêu cầu từng đảng viên tự nghiên cứu toàn bộ văn bản nhưng có gợi ý nghiên cứu sâu những nội dung liên quan đến nhiệm vụ chính trị của đơn vị, tùy đơn vị mà trọng tâm nghiên cứu khác nhau, gắn với nhiệm vụ chính trị và chức năng của đơn vị mà đảng viên đang làm việc.
Tiếp đến, mỗi đảng viên tự chuẩn bị nội dung nghiên cứu tiếp thu nghị quyết trình bày trước chi bộ, có tranh luận, ý kiến phản biện của các đảng viên khác… Lúc này các giảng viên hay cán bộ tuyên huấn bám sát các cuộc thảo luận theo dõi tổng kết những ý kiến tiếp thu nghị quyết xây dựng thành báo cáo chung để cho đảng viên tham khảo.
Từ kết quả tiếp thu nghị quyết, đảng viên xây dựng chương trình hành động cho riêng mình; chi bộ xây dựng chương trình hành động cho chi bộ. Dựa vào chương trình này làm cơ sở để kiểm điểm cuối năm, cuối nhiệm kỳ. Xây dựng chương trình hành động của đơn vị cần công khai đóng góp, có các tiêu chí cụ thể để tổng kết đánh giá, có hiến kế của đảng viên xung quanh những vấn đề bức xúc của đơn vị …
Có nhiều cách tiếp cận nghiên cứu học tập nghị quyết một cách chủ động tích cực. Vấn đề là phải mạnh dạn thay đổi lối mòn…
DIỆP VĂN SƠN