Cần hệ thống đo lường, giám sát độc lập để sử dụng năng lượng hiệu quả

"Thiếu hệ thống đo lường giám sát sử dụng điện độc lập không khác gì đi thi mà không cho điểm”, ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) bình luận.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu tại hội trường Diên Hồng cuối buổi sáng 27-5. Ảnh: VIẾT CHUNG
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu tại hội trường Diên Hồng cuối buổi sáng 27-5. Ảnh: VIẾT CHUNG

Cuối phiên làm việc sáng 28-5, đại biểu Quốc hội (ĐB) thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Về quy định dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng, ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) nhấn mạnh, xây dựng là một trong những ngành tiêu tốn nhiều năng lượng nhất. Theo Ngân hàng Thế giới, ngành này chiếm 36% tổng tiêu thụ năng lượng toàn cầu, gần 40% phát thải CO2. Còn ở Việt Nam, hơn 60% điện năng trong các công trình dùng cho điều hòa và chiếu sáng, chủ yếu do sử dụng vật liệu xây dựng chưa thực sự hiệu quả.

Chính vì vậy, ĐB Trần Quốc Tuấn đề nghị Chính phủ ban hành lộ trình dán nhãn bắt buộc với một số vật liệu xây dựng có ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ điện; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam về hiệu suất năng lượng với vật liệu xây dựng đồng bộ tiêu chuẩn quốc tế; xã hội hóa hoạt động thử nghiệm và cấp chứng nhận cùng với ứng dụng nền tảng để truy xuất nhãn năng lượng để người dân dù không phải là kỹ sư vẫn hiểu sản phẩm đang dùng tốt đến đâu…

Về đề xuất quy định mô hình công ty dịch vụ năng lượng (ESCO), một mô hình rất mới, ĐB Trần Quốc Tuấn đề nghị giao Chính phủ xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển mô hình này vì “đôi bên cùng có lợi”. ĐB dẫn chứng, 25 nước đã áp dụng hiệu quả mô hình trên, xem đây là công cụ quan trọng thúc đẩy chuyển đổi năng lượng. Trung Quốc nhờ hỗ trợ tài chính và miễn thuế, sau 24 năm thực hiện, ngành này có 6.000 doanh nghiệp, tạo doanh thu 82 tỷ USD, giảm hơn 100 triệu tấn CO2 mỗi năm. Hàn Quốc có trên 300 công ty hoạt động mạnh nhờ quỹ tiết kiệm năng lượng của Nhà nước…

"Tại Việt Nam hiện có khoảng 200 doanh nghiệp nhỏ đang hoạt động theo mô hình dịch vụ năng lượng. Đông thì đông vậy nhưng “mạnh ai nấy… yếu” do thiếu hỗ trợ tài chính và bảo lãnh tín dụng cho các ESCO", ĐB Trần Quốc Tuấn phát biểu.

Theo ông, doanh nghiệp không thể mua dịch vụ của các ESCO chỉ bằng niềm tin. Hai là thiếu hệ thống đo lường, giám sát độc lập. “Làm rồi (áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng) mà không đo thì chẳng khác nào đi thi mà không cho điểm”, ĐB ví von.

ĐB đề nghị Chính phủ quan tâm thành lập quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; cho phép ESCO tiếp cận, bảo lãnh tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh; miễn giảm thuế với dự án có hiệu suất cao, xây dựng bộ tiêu chí đo lường và xác minh; xã hội hóa hoạt động giám sát…

Quang cảnh thảo luận .jpg
Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đồng tình với những quy định về ưu đãi cho các phương tiện giao thông tiết kiệm nhiên liệu sử dụng khí hóa lỏng khí thiên nhiên, điện nhiên liệu tổng hợp sinh học được quy định trong dự luật và đề xuất bổ sung nội dung cần ưu tiên khuyến khích cá nhân, tổ chức đưa ra các giải pháp tổ chức giao thông hợp lý để các phương tiện đi lại được nhanh chóng thông suốt, qua đó giúp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

ĐB sử dụng hình ảnh trực quan cho thấy việc tổ chức giao thông rất tốt, mang lại hiệu quả về nhiều mặt tại vòng xoay ngã 6 Phù Đổng, quận 1, TPHCM. “Cách tổ chức tại vòng xoay này có thể áp dụng cho hầu hết các vòng xoay bị ùn tắc tại các đô thị trên cả nước. Dù giao thông vòng xoay này luôn đông đúc nhưng không xảy ra tắc nghẽn ngay cả vào giờ cao điểm”, ĐB nhận định.

Cuối phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ghi nhận các ý kiến ĐB và cho biết thêm, quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vốn đã có trong định hướng của Bộ Chính trị. Đây không phải tổ chức mới mà chỉ là một chế định mới để tăng cường xã hội hóa nguồn lực cho công tác này. “Chính phủ sẽ có đề án cụ thể về vận hành quỹ”, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cam kết.

Về đề xuất dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng và một số mặt hàng khác, Phó Thủ tướng khẳng định, đây là việc đang làm, chỉ có điều nay chuyển sang cơ chế hậu kiểm. Phó Thủ tướng nói: “Các cơ quan quản lý nhà nước chỉ tập trung vào hướng dẫn, ban hành các tiêu chuẩn, định mức và thậm chí hình mẫu của các nhãn hiệu như thế nào; doanh nghiệp tự quyết định và Nhà nước hậu kiểm".

Tin cùng chuyên mục