Dịp cuối tuần, cả nhà chị Mai hay về ngoại chơi, tụ họp với các gia đình em út khác nữa. Cánh phụ nữ, con dâu, con gái xúm xít trong bếp nấu nướng vài món cho bữa trưa. Vui vẻ nhưng cũng khá ồn ào. Chỉ riêng việc thịt trộn nem cần xắt to hay nhỏ, mỏng hay dày, sợi hay miếng thôi mà cũng í ới mãi. Rồi “nhà em thường nêm thế này, nhà chị nêm thế kia” cũng khiến cho cả bọn chí chóe nhau.
“Người giúp việc dù có giỏi giang, siêng năng thế nào cũng không thể bằng mình”. Đó vẫn là cảm nhận rất thật của chị Mai, lúc ngồi tỉ mẩn ủi từng cái áo, tấm quần cho chồng con. Coi, cái nếp này phải là thật kỹ, cái nút kia cần đơm lại vì sắp đứt mất rồi. Chẳng hiểu sao, chị luôn thấy rưng rưng khi tự tay ủi đồ, nghĩ về hình ảnh từng thành viên thân thuộc. Chị như hình dung ra đứa con trai nhỏ ưa chạy nhảy vận động, lúc ăn hay làm rơi rớt xuống áo, cổ áo thì bị bám bẩn nhiều nếu cứ bỏ máy, không giặt tay. Đây là mấy chiếc vớ của chồng, luôn bị mòn ở cùng một chỗ. Nơ cổ đồng phục của con gái, điệu đàng ghê… Chị Mai ủi đồ khá mất thời gian, bởi cứ tỉ mẩn từng yêu thương.
Nấu ăn càng phải dụng tâm nhiều hơn. Bởi chỉ có mình mới hiểu rõ tánh ý, thói quen, sở thích của mỗi người. Ví như, chồng chị thích ăn cay, mà phải là thứ ớt xanh be bé, cắn vào xé lưỡi ấy. Anh ghét đồ chiên, xào, mà ưa cá nhỏ kho khô ăn kèm rau luộc, canh nhất định phải nấu kiểu thanh đạm. Con gái chị ưa trái cây ngọt đậm như xoài chín, sầu riêng hay trái bơ, nhưng con trai nhỏ lại mê loại quả mọng như dưa hấu, lê, củ sắn. Rồi chỉ riêng món nấm thôi, mà con gái thích nấm dài như bào ngư, kim châm; con trai chỉ ăn nấm tròn (nấm rơm), thật phức tạp! Nên dẫu gắn bó lâu dài hàng năm thì người giúp việc vẫn không thể nào đặt hết tâm trí của họ vào công việc được.
Chị Mai chốt hạ rằng, có thế nào cũng không thể khoán trắng mọi việc trong nhà cho người giúp việc được. Bận rộn tới đâu, ra đường hô mưa gọi gió cỡ nào, cũng phải dành chút thời gian, tâm trí cho cái guồng quay gia đình. Có thể không cần đích thân làm lụng, nhưng chí ít phải nắm được con mình đang… học lớp mấy, tức là cái đuôi ký hiệu lớp phía sau, chứ lúc đi họp phụ huynh mới ngơ ngác hỏi, là không được! Rồi gạo mắm còn hay hết, tủ lạnh tủ đồ khô có ăm ắp đủ đầy? Bọn trẻ con đã về nhà an toàn đúng giờ hay chưa; con gái lớn “đèn đỏ” có đều đặn; chồng vẫn vui vẻ hay là đang bất mãn cũng là điều cần lưu ý. Thi thoảng dành nửa buổi để cùng con nấu nướng hay dọn dẹp chút đỉnh “cho có màu sắc” càng là việc nên làm.
Chí ít thì cũng phải chở con đi ăn tiệm, mẹ con nói chuyện, chia sẻ với nhau, chứ không phải luôn đối diện với cái điện thoại thông minh nhiều cám dỗ. Không khí gia đình sẽ hụt hẫng trật nhịp ngay, nếu thiếu vắng đi bàn tay chăm chút của một nữ chủ nhân thật sự…