Học văn, học sử hiện nay

Cần một tiếng nói chung...

Chúng tôi rất tâm đắc với câu nói của Giáo sư Trần Văn Giàu đã được trích dẫn trên mục Diễn đàn văn hóa. Vâng, tại sao các bạn trẻ lại cứ thích học các môn học để làm thuê mà không học các môn học để làm chủ!

Phần lớn giới trẻ hôm nay đều rất thực dụng trong học tập, học các môn học để nhằm có cơ hội tìm việc làm với thu nhập cao chứ không màng đến kiến thức lịch sử, văn học nước nhà kể cả thế giới nữa. Nhưng cách dạy văn – dạy sử trong trường học hiện nay cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Tôi đã từng trải qua những năm tháng dạy học nên rất hiểu thực trạng dạy văn, dạy sử ở trường học.

Các em học sinh dường như chỉ được yêu cầu học thuộc lòng văn – sử để có điểm 5 trung bình chứ ít có vấn đề yêu cầu học sinh tư duy, sáng tạo trong cách làm luận văn, học sử. Học văn mà các em phải học những nội dung chính, những cái gạch đầu dòng mà không được giảng dạy cho các em có cảm xúc để làm một bài văn thật hay và đúng với yêu cầu mà đề thi đưa ra. Bản thân tôi khi dạy cho các em học sinh trong nhiều năm học qua ở một tỉnh giáp ranh với thành phố cũng cảm thấy rất băn khoăn.

Nhìn các em chép bài lia lịa mà tôi rất buồn. Các em chỉ chép các ý chính mà không hề “chép” được cảm xúc cần thiết khi thể hiện một bài văn nào đó! Thực trạng học văn – sử hiện nay của các em học sinh rất đáng báo động. Như MC Thanh Bạch đã phát biểu trên báo chí: “Có nhiều em học sinh trả lời y khuôn: “Buổi tối mẹ em thường vá áo, còn bố em chăm lo việc học cho tụi em!”.

Theo chúng tôi thì cả giáo viên và học sinh cần phải có tiếng nói chung trong việc dạy và học văn – sử. Chúng tôi đề nghị để cải thiện tốt cho vấn đề dạy và học văn – sử thì nhà trường nên tăng cường nhiều buổi học ngoại khóa dành cho các em học sinh. Các em cần được tham quan đó đây, cần được đến với các di tích lịch sử, di tích văn hóa, các bảo tàng… để góp phần nâng cao sự hưng phấn, hào hứng khi học văn – sử.

HUỲNH THỊ PHƯƠNG THẢO
(Trần Hưng Đạo, Q1)

Tin cùng chuyên mục