Cần nhiều giải pháp đồng bộ để giữ đà tăng trưởng kinh tế

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đồng tổ chức, nhiều ý kiến đến từ chuyên gia, doanh nghiệp cho biết, tăng trưởng kinh tế đã có những tín hiệu phục hồi tích cực. Tuy nhiên, sự phục hồi còn non yếu và cần nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn để duy trì ổn định đà tăng trưởng kinh tế. 

Doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn

Mở đầu phiên khai mạc, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, nhiều năm qua chúng ta đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, kéo theo thách thức lớn về tỷ giá, đứt gãy chuỗi cung ứng, lao động… Trong khi đó, các vấn đề bất cập tích tụ trong nhiều năm như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán bộc lộ rõ hơn trong đại dịch Covid-19, đã ảnh hưởng và trực tiếp tác động lên nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, gây ra nguy cơ rủi ro về hệ thống.

3 giải pháp huyết mạch đã được Chính phủ quyết liệt thực hiện là: gia tăng dư nợ tín dụng ngân hàng, khởi động lại thị trường vốn trung và dài hạn, khơi thông thị trường bất động sản, song hiệu quả còn hạn chế. Tốc độ kinh tế vẫn chưa tăng trưởng như kỳ vọng, tiềm ẩn nhiều rủi ro, ngăn chặn đà tăng lạm phát tăng, đơn hàng xuất khẩu vẫn giảm do sức mua thị trường chưa phục hồi…

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, trong 2 tháng 7 và 8-2023, ngành bán lẻ có những tín hiệu phục hồi khá tích cực khi lần lượt đạt mức tăng trưởng 7,1%, 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Điều này là từ hiệu quả của các chính sách kích cầu như giảm 2% thuế VAT, giãn thời gian nộp thuế, giảm thuế phí sử dụng đất, đẩy mạnh triển khai các chương trình khuyến mại tập trung quốc gia, chính sách visa du lịch, giảm lãi suất cho vay...

Thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ cũng nỗ lực tìm nhiều giải pháp cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, tạo nền tảng phát triển lâu dài. Các DN đã thực hiện cơ cấu nguồn cầu hàng hóa đầu vào phù hợp với sự dịch chuyển các nguồn hàng tập trung vào thị trường Việt Nam và quy hoạch nguồn nguyên liệu của các địa phương trong nước. Về nguồn cung hàng hóa dịch chuyển theo hướng tiêu dùng tiết kiệm, tiêu dùng thông minh, quan tâm nhiều hơn đến những nhu cầu thiết yếu; đón đầu và thực hiện những xu hướng phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,... Cuối cùng là cơ cấu hoạt động, cấu trúc tổ chức đáp ứng công tác điện toán hóa, số hóa theo đúng xu hướng phát triển hiện đại.

Sức mua trên thị trường đã phục hồi nhưng vẫn có nguy cơ tái sụt giảm

Sức mua trên thị trường đã phục hồi nhưng vẫn có nguy cơ tái sụt giảm

Tuy nhiên, bức tranh phát triển của ngành bán lẻ được nhận định phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Cụ thể người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm, trong đó có đến 59-62 triệu người tiêu dùng lựa chọn mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm ước đạt khoảng 300-320 USD/người/năm. Thực tế này đòi hỏi DN ngành bán lẻ thúc đẩy nhanh tiến trình phát triển thương mại điện tử. Mặt khác, với các nhà bán lẻ truyền thống buộc phải có chiến lược đầu tư phát triển thêm các dịch vụ cung ứng trực tuyến, cải tiến hoạt động kinh doanh hệ thống cửa hàng theo hướng tăng tương tác trải nghiệm trực tiếp và trực tuyến cho người tiêu dùng. Một yếu tố quan trọng khác, các DN bán lẻ phải ứng dụng số hóa, điện toán hóa nhằm bắt kịp xu hướng thanh toán không tiền mặt của thị trường. Hiện ước tính với doanh thu 20,5 tỷ USD trong năm 2023, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử bán lẻ chiếm khoảng 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước, nếu tính riêng bán lẻ chiếm tỷ trọng khoảng 15%.

Cải thiện năng lực vốn và số hoá cho DN

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Tấn Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho rằng, dệt may là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và trước năm 2023 luôn duy trì mức tăng trưởng 2 con số. Thế nhưng từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam lại sụt giảm mạnh, thậm chí có những tháng mức sụt giảm đến 2 con số. Khảo sát thực tế của hiệp hội cho thấy, để quay lại đà tăng trưởng dương cho kim ngạch xuất khẩu, ngành dệt may phải xanh hoá sản xuất. Mà để làm được điều đó, DN rất cần hỗ trợ về vốn. Hiện với mức lãi suất vay trên dưới 10%/năm là quá cao với DN, nhất là DN có quy mô sản xuất vừa và nhỏ.

Toàn cảnh chuyên đề "Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó"

Toàn cảnh chuyên đề "Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó"

Thực tế nêu trên đòi hỏi phải sớm có giải pháp ứng phó trong ngắn hạn và giải pháp căn cơ có tầm chiến lược lâu dài để tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực tăng trưởng, giúp đất nước tận dụng thời cơ, ứng phó, vượt qua thách thức, khơi thông nguồn lực và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững.

Cũng theo ông Nguyễn Tấn Trường, về vĩ mô, Chính phủ cần cân đối lãi suất, tỉ giá, cách tiếp cận vốn theo hướng thuận lợi cho DN dệt may nói riêng và DN nhiều lĩnh vực khác nói chung. “Riêng với lĩnh vực bán lẻ, mức độ nhạy cảm và phản ứng nhanh với các chính sách. Quy mô ngành bán lẻ lớn ở mức đóng góp 143 tỉ USD và đóng vai trò quan trọng trung gian kết nối các ngành nghề và các khâu của chuỗi giá trị sản phẩm. Do vậy, để ngành bán lẻ tăng trưởng ổn định, việc hoạch định các chính sách hỗ trợ cần dài hơi hơn, nhằm gia tăng chỉ số niềm tin người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần có những chính sách hỗ trợ tích cực trực tiếp để DN có thể tồn tại được và giảm thiểu chi phí vượt qua khó khăn. Đặc biệt, việc riêng biệt hóa chính sách hỗ trợ theo ngành nghề hoạt động, tập trung những ngành kết nối, lan tỏa tiên phong”, ông Đức nhấn mạnh.

Ở góc độ khác, nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết thực hiện nhanh việc quy hoạch lại tổng thể cung cầu của các vùng nguyên liệu trong nước, cung ứng nội địa và cung ứng quốc tế với mức độ phân công và chuyên môn hóa cao, sát thực và khoa học với những dự báo trung và dài hạn trong thời gian sắp tới. Mặt khác, tăng cường liên kết vùng, xác định rõ nội dung cần có đầu tư trong từng nội dung lĩnh vực được quy hoạch của từng địa phương để phát huy nguồn lực đồng bộ, sử dụng ngân sách hiệu quả và phù hợp xu thế, tránh cạnh tranh lẫn nhau giữa các địa phương. Riêng công tác điện toán hóa, số hóa và đổi mới sáng tạo, bên cạnh việc triển khai thông tin và hướng dẫn chung theo từng ngành, cần có xác định rõ mục tiêu và giới hạn của lĩnh vực. Cần phát triển các chính sách khuyến khích điện toán hóa, số hóa, đổi mới sáng tạo theo từng thể loại ứng dụng cho có định hướng tổng thể để tạo sức bật toàn diện, đóng góp cho nền kinh tế số và đồng bộ theo từng giai đoạn.

Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, muốn lấy lại đà phát triển nhanh và bền vững đòi hỏi Quốc hội và Chính phủ cần thực hiện nhiều chính sách, giải pháp vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng chống chịu, củng cố các động lực tăng trưởng truyền thống, vừa tạo không gian đủ rộng để khai thác hiệu quả các mô hình, động lực tăng trưởng mới, cho cả trước mắt và lâu dài. Bên cạnh đó, cần nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách tập trung vào nâng cao giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu và đẩy mạnh thương mại dịch vụ.

Tin cùng chuyên mục