Vừa qua, một đồng nghiệp từ Hà Nội gọi điện: “Ông đọc Báo SGGP hôm nay nói về thực trạng văn hóa đọc ở đồng bằng sông Cửu Long, đau quá!”. Tôi đang đặt bài báo ấy trước mặt. Đúng là một lần rung chuông cảnh báo kịp thời và bổ ích!
Còn nhớ, cách đây một năm, tôi đi cùng ông Nguyễn Đức Kiên - đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng trao tặng nhà tình nghĩa cho huyện Kế Sách, và đi cùng ông Trần Văn - đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau trao tặng nhà tình nghĩa cho huyện U Minh. Trong không khí ấm cúng những ngày cuối năm, lại được tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, nhiều người dân không ngần ngại bộc bạch tâm tình.
Ở cả hai nơi, nhiều người dân đều nói rằng: “Sở dĩ chúng tôi nghèo, không phải vì chúng tôi lười biếng, mà do chúng tôi ít được tiếp xúc với sách vở, không có thông tin để biết cách kiếm ra tiền!”. Thậm chí có người còn bảo: “Trong chúng tôi có người từng đi học, nhưng lâu quá không được đọc sách báo nên đã quên chữ nghĩa hết trơn!”.
Giá sách bây giờ có phải rẻ đâu, thu nhập nông dân làm sao mua được. Đến khi tham gia Hội chợ sách TPHCM tháng 3-2008, thấy có đơn vị làm sách giảm giá đến 60%, tôi đã làm một phép toán: nếu trừ chi phí chuyên chở, thì sách giảm giá ở đây khi mang về đồng bằng sông Cửu Long vẫn có thể giảm giá 40% để phục vụ cho những người thu nhập thấp, đang chịu nhiều thiệt thòi về đời sống văn hóa. Liệu tình cảnh “kẻ ăn không hết, người lần không ra” có được những nhà phát hành sách lưu tâm chăng?
Nói thế không có nghĩa là đổ hết trách nhiệm cho ngành phát hành sách. Nhiều nhà văn, nhà thơ tại TPHCM vẫn thường than thở rằng, diện tích căn nhà mình đã không còn chỗ chứa sách, mà bán sách cũ thì không nỡ. Tại sao không san sẻ “bầu bí thương nhau” giữa người viết và người đọc? Chỉ cần một tổ chức nào đó, như Hội Nhà văn TPHCM chẳng hạn, đứng ra phát động quyên góp sách từ các tác giả đang sinh sống tại thành phố thì hoàn toàn có thể gầy dựng hàng trăm tủ sách cho các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Thực trạng văn hóa đọc ở đồng bằng sông Cửu Long qua phản ánh trên Báo SGGP khiến những ai tâm huyết với sự nghiệp nâng cao dân trí phải có hành động cụ thể hơn nữa. Chúng ta không thể kêu gọi người dân đọc sách nếu không mang sách đến cho họ. Hơn nữa, văn hóa đọc phải bắt nguồn từ thói quen đọc. Do đó, ngay lúc còn nhỏ, trẻ em phải được khuyến khích đọc sách.
Còn nhớ, nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 2008, tỉnh Bình Thuận đã tổ chức Ngày hội đọc sách cho thiếu nhi tại Phan Thiết, tôi và Tiến sĩ Trần Ngọc Chương của Trường ĐH KHXH-NV TPHCM được Đài truyền hình Bình Thuận mời ra giao lưu với khán giả trực tiếp qua màn ảnh nhỏ. Lúc ở trường quay, xem đoạn băng tường thuật, không ít người tỏ ra xúc động khi nhìn những khuôn mặt bầu bĩnh và ánh mắt trẻ thơ háo hức trước từng trang sách.
Chỉ trong một thời gian ngắn, những nhà lãnh đạo của tỉnh Bình Thuận đã biến vùng đất cát trắng trở thành thiên đường resort, nên mong một thời gian nữa Bình Thuận sẽ trở thành thiên đường đọc sách? Kể từ khi tổ chức ngày hội đọc sách, số lượng học sinh đến thư viện tăng lên rất rõ. Tín hiệu đáng mừng ở Bình Thuận phải chăng cũng cần tiếp tục ở Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang…?
Bằng tất cả sự chân thành, nhiều người tin văn hóa đọc ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ được cải thiện, nếu chúng ta thể hiện cho các em nhỏ miền sông nước hiểu rằng, đọc sách là một hoạt động trí tuệ được xã hội trân trọng!
Lê Thiếu Nhơn