Phản hồi bài “Xuất hóa đơn điện tử bán lẻ xăng, dầu: Vì sao chần chừ?"

Cần quy định để xuất hóa đơn thuận tiện, tiết kiệm nhất

Báo SGGP ngày 22-11 có bài phản ánh, mặc dù quy định xuất hóa đơn điện tử áp dụng hơn 1 năm qua nhưng hiện nay ngành xăng dầu vẫn chưa thực hiện đầy đủ. Báo SGGP tiếp tục ghi nhận ý kiến của các bên liên quan.

TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ: Có thể do người tiêu dùng thường không yêu cầu

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện yêu cầu tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số thì hiển nhiên các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho khách hàng phải thực hiện, không thể có ngoại lệ. Tôi nghĩ có một lý do quan trọng khiến họ chưa muốn làm là do bản thân người tiêu dùng thường không yêu cầu. Thói quen này cần thay đổi. Giả sử sau này mua phải xăng dầu kém chất lượng, người tiêu dùng có bằng chứng để khởi kiện người bán. Hơn nữa, việc mua hàng có hóa đơn sẽ giúp cơ quan thuế dễ dàng phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi phát hành, sử dụng hóa đơn, chứng từ không đúng quy định, gian lận, trốn thuế…

Về những e ngại của doanh nghiệp do phát sinh thêm chi phí khi thực hiện hóa đơn điện tử, cơ quan quản lý nhà nước cần có quy định để việc xuất hóa đơn thuận tiện và tiết kiệm nhất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả trong bối cảnh nhiều khó khăn như hiện nay.

Xuất hóa đơn điện tử ngày 20-11-2023 tại cây xăng Petrolimex Petrol trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận 5, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Xuất hóa đơn điện tử ngày 20-11-2023 tại cây xăng Petrolimex Petrol trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận 5, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính Việt Nam: Không xuất hóa đơn trực tuyến dễ dẫn đến trốn thuế

Mặc dù cần tạo thời gian chuyển tiếp để các doanh nghiệp chuẩn bị, nhưng về lâu dài, phải có hóa đơn điện tử khi kinh doanh xăng dầu (kết nối trực tuyến với cơ quan thuế khi xuất hóa đơn để tránh tình trạng trốn thuế ). Do giá xăng dầu liên tục điều chỉnh (thậm chí biến động theo giờ) nên xuất hóa đơn ngay lập tức là cần thiết, nếu để đến cuối ngày mới xuất như hiện nay, mức thuế, phí sẽ không theo sát giá. Nếu không kết nối trực tuyến sẽ dẫn đến tình trạng gian lận thuế. Những khó khăn về hạ tầng của một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu chỉ là chủ quan và trước mắt. Các cửa hàng xăng dầu đều có các máy đo điện tử, để từ đó có thể in được hóa đơn, kết nối với các cơ quan thuế.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam: Sớm có những hướng dẫn cụ thể hơn

Thực chất của chính sách là để tiến tới báo cáo và giám sát hóa đơn kinh doanh xăng dầu một cách tự động. Còn trên thực tế lâu nay, khi chưa có hóa đơn điện tử thì các doanh nghiệp vẫn có kết nối, báo cáo tới cơ quan thuế để theo dõi, giám sát và tính thuế. Trong suốt quá trình xây dựng và ban hành chính sách này, hiệp hội cũng đã có những kiến nghị tới Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính. Chúng ta cần thống nhất, đây là một trong các chương trình chuyển đổi số, nhưng để triển khai hiệu quả, rõ ràng sẽ làm phát sinh một số chi phí cho các doanh nghiệp. Trong khi đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thì đây là mặt hàng mà Nhà nước quản lý giá. Nhưng hiện tại, trong công thức tính giá xăng dầu lại chưa có các phần chi phí tăng thêm, tính thêm, ví dụ như hóa đơn, tổ chức triển khai…

Việc này, chắc chắn Bộ Tài chính và Bộ Công thương cần phải tính những chi phí trên vào giá của nhà nước, đồng thời có hướng dẫn cụ thể hơn. Chúng tôi sẽ phối hợp với Tổng cục Thuế, liên bộ Công thương - Tài chính và các doanh nghiệp để bàn bạc, thống nhất thực thi một cách hiệu quả nhất trong thời gian tới.

Giám đốc một công ty kinh doanh xăng dầu tại TPHCM (xin giấu tên): Gánh nặng cho doanh nghiệp nhỏ

Hiện nay, với giá thành hóa đơn, trường hợp doanh nghiệp nhỏ, mua số lượng ít, chi phí lên gần 1.000 đồng/hóa đơn. Nếu mỗi ngày, khoảng 2.000 lượt xe máy đổ xăng, doanh nghiệp phải xuất 2.000 hóa đơn tương ứng gần 2 triệu đồng nên sẽ lỗ. Chưa kể, chi phí nhân sự, mức chiết khấu cho bán lẻ có thời điểm 0 đồng, thì doanh nghiệp chỉ còn cách bù lỗ và không thể tồn tại. Thông tư 104 năm 2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu nhưng còn một số điểm chưa rõ.

Cụ thể, thông tư xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu quy định chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là chi phí lưu thông xăng dầu trong nước, gồm cả khâu bán buôn, bán lẻ. Hiện chi phí kinh doanh định mức là 1.050 đồng/lít, lợi nhuận định mức 300 đồng/lít. Thế nhưng, thông tư không ghi rõ tỷ lệ phân chia ở khâu bán buôn bao nhiêu, khâu bán lẻ bao nhiêu, khiến doanh nghiệp chịu thiệt (doanh nghiệp đầu mối hưởng phần lớn và chia lại cho doanh nghiệp bán lẻ kiểu nhỏ giọt).

Đối với công nghệ kết nối, việc thiết lập hóa đơn điện tử kết nối dữ liệu từ cột bơm xăng đến cơ quan thuế cần đầu tư phần mềm, thiết bị tính toán… với chi phí lớn, nên doanh nghiệp nhỏ phải cân nhắc rất kỹ, chưa kể thực tế người tiêu dùng hiện nay ít có nhu cầu lấy hóa đơn.

Tin cùng chuyên mục