Cần quy định rất rõ về hậu quả pháp lý của việc nổ súng

Chiều 7-11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật (sửa đổi). Ngay sau đó, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, dự án luật này được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp này và xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.
Cần quy định rất rõ về hậu quả pháp lý của việc nổ súng

(SGGPO).- Chiều 7-11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật (sửa đổi). Ngay sau đó, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, dự án luật này được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp này và xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.

Nhiều ý kiến tại phiên họp bày tỏ quan tâm đến các quy định về nổ súng. Từ thực tế công tác trong ngành công an, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nhấn mạnh, súng quân dụng là loại vũ khí có khả năng sát thương cao, đòi hỏi người sử dụng không chỉ biết cách sử dụng thành thạo mà còn phải hiểu biết pháp luật một cách sâu sắc nữa. “Ranh giới giữa tấn công và phòng vệ chính đáng rất mong manh, khái niệm “nổ súng” cũng có cách hiểu rất khác nhau, chẳng hạn bắn chỉ thiên có được coi là “nổ súng” không?”, ĐB bày tỏ băn khoăn. Vì vậy, dự án luật cần thiết kế theo hướng tách biệt thành những điều riêng, quy định rất rõ về các trường hợp nổ súng khác nhau, đặc biệt, nhất thiết phải có một điều riêng về hậu quả pháp lý của việc nổ súng.

Bộ Trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Ảnh: TTXVN

Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) phân tích thêm: “Quy định về nổ súng phải rất chặt chẽ nếu không người thi hành công vụ sẽ dễ lạm quyền, hoặc dễ bị kết tội vượt qua thẩm quyền. Nhiều nội dung trong dự thảo còn trừu tượng hoặc bất hợp lý. Như khoản 2 điều 21 quy định không được nổ súng vào đối tượng khi biết rõ là đối tượng phụ nữ. Như thế có hợp lý không, khi mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Hoặc khi phải sử dụng vũ khí để tấn công quyết liệt mà đòi hỏi phải “hạn chế thiệt hại” thì rất khó”.

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) thắc mắc: “Dự thảo yêu cầu cá nhân sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ phải mang theo giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, như vậy mỗi người cần được cấp 1 giấy hay chỉ cấp cho tổ chức? Cần nói rõ là quy định này không áp dụng trong điều kiện đất nước có chiến tranh”. Lưu ý đến tình trạng hành vi chống trả quyết liệt người thi hành công vụ vừa qua có xu hướng tăng, ĐB Tô Văn Tám đề nghị, trường hợp đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp uy hiếp tính mạng của người thi hành công vụ và người khác thì phải được phép nổ súng ngay mà không cần cảnh báo.

Các ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) có cùng mối quan tâm về quy định quản lý vũ khí thô sơ trong dự thảo. Ông Bùi Văn Xuyền nhận xét, quy định về quản lý vũ khí thô sơ như dự thảo là không phù hợp, không khả thi, vì có sự lẫn lộn giữa vũ khí thô sơ với đồ dùng, vật dụng hàng ngày của người dân, đề nghị không đưa vào luật.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục