Ngày 25-9, tại TPHCM, Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) đã tổ chức hội thảo tham vấn một số vấn đề trọng tâm trong dự án Luật Y dược cổ truyền.
Đây là hội thảo lấy ý kiến đóng góp xây dựng dự án Luật với sự tham gia của nhiều đại biểu đến từ các Sở Y tế, các bệnh viện y học cổ truyền, hội đông y, các nhà nghiên cứu về y học cổ truyền tại nhiều địa phương trong cả nước nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng quản lý nhà nước về y dược cổ truyền, phục vụ nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý y dược học cổ truyền cho biết, hoạt động y học cổ truyền (YHCT) từ xưa đến nay vẫn chưa có sự thống nhất từ ngôn từ đến công tác quản lý hoạt động khám chữa bệnh, dược liệu… Do đó, việc đóng góp xây dựng Luật YHCT ra đời và phù hợp với thực tế để đón nhận những ý kiến tham vấn của các đại biểu là những người hoạt động trong ngành YHCT trong cả nước góp phần chuẩn hóa các hoạt động, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của hoạt động YHCT tương xứng với tiềm năng, giá trị vốn có của dân tộc.
Dẫn giải ví dụ cụ thể, Dược sỹ Trương Văn Hướng, Sở Y tế tỉnh Yên Bái cho rằng, hiện tại, cả nước đang thực hiện cơ chế chung là đấu thầu mua thuốc nhưng việc thanh toán bằng Bảo hiểm y tế còn nhiều bất cập. Các cơ sở y tế không được mua dược liệu sẵn có tại địa phương mà phải tiến hành đấu thầu tập trung. Điều này khiến cho dược liệu phải mua đi bán lại vòng vo qua nhiều công đoạn, giá cả bị đẩy lên cao, đồng thời khó phát triển được nguồn dược liệu sẵn có tại địa phương.
Ngoài ra, việc kiểm soát, kiểm nghiệm dược liệu cũng gặp khó, đặc biệt là kiểm tra đánh giá hàm lượng hoạt chất trong dược liệu. Do vậy, cần có hệ thống kiểm tra, đánh giá đúng chất lượng dược liệu để tạo sự tin tưởng của người dân. Bên cạnh đó, cần có chính sách bảo tồn, phát triển bền vững dược liệu trong nước, đặc biệt cần khôi phục, đẩy mạnh việc sử dụng thuốc nam thuốc bản địa khai thác tại địa phương để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh thường gặp ở y tế tuyến cơ sở,...
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng cần tạo hành lang pháp lý trong việc kết hợp YHCT và y học hiện đại trong khám chữa bệnh. Đây là bước đi đúng đắn nhằm phát huy tối đa hiệu quả của cả hai loại hình y học hiện đại và cổ truyền.
Tuy nhiên, để thực hiện điều này cần cụ thể hóa những nội dung như: có phác đồ điều trị kết hợp YHCT với y học hiện đại để có cơ sở pháp lý trong điều trị và thanh toán Bảo hiểm y tế, cần có những nghiên cứu và thông tin rõ ràng để tạo niềm tin cho người dân cũng như tránh những rủi ro khi sử dụng kết hợp 2 phương pháp y học cổ truyền và y học hiện đại...
Dự kiến, sau khi lấy ý kiến tham vấn tại TPHCM, Cục Quản lý y, dược cổ truyền sẽ tiếp tục rà soát, khảo sát nhu cầu thực tế để xây dựng dự án Luật Y dược cổ truyền nhằm đảm bảo tính khả thi của luật.