Như chia sẻ của các cơ quan chức năng, chống hàng gian, hàng giả lâu nay được xác định là một “cuộc chiến dài hơi” cho cả các bên là cơ quan chức năng, doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng.
Cuộc chiến đó nay còn phức tạp, cam go hơn, do sự phát triển của Internet đã kéo theo hình thức bán hàng online nở rộ trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Twitter… và các sàn thương mại điện tử như Shopee, Sendo… Chính sự bán hàng dễ dàng từ các trang này đã trở thành “mảnh đất” để những đối tượng làm hàng giả ngày một nhiều hơn khi được người bán tiếp tay với cách kinh doanh không trung thực, làm ăn gian dối.
“Công tác kiểm soát hình thức kinh doanh online đang gặp nhiều khó khăn do thông tin khai báo, đăng ký hoạt động kinh doanh không chính xác về nhân thân và địa chỉ; thường xuyên thay đổi địa điểm, không theo trình tự thời gian cụ thể nên gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng”, lực lượng Quản lý thị trường TPHCM nhận xét.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), những tháng đầu năm 2019, cục này đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử cả nước rà soát, gỡ bỏ hơn 3.750 sản phẩm vi phạm xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái của gần 600 gian hàng và website. Thực tế thì tình trạng bán hàng nhái, vi phạm xuất xứ hàng hóa, hàng giả không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà là câu chuyện chung trên toàn cầu.
Chiêu thức của bộ phận người làm ăn gian dối rất tinh vi. Không chỉ giả với sản phẩm hàng hóa mà ngay cả các trang bán hàng cũng được tạo giả, hoặc giả mạo các địa chỉ bán hàng uy tín để đánh lừa người tiêu dùng.
Như chia sẻ của Saigon Co.op, hệ thống siêu thị Co.opmart đã từng gặp phải thực trạng này. Theo đó, đã có rất nhiều fanpgage tự lập, giả mạo Co.opmart cung cấp nhiều thông tin sai lệch gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Thủ đoạn của những kẻ làm ăn gian lận là đưa thông tin hấp dẫn, đẩy mạnh quảng cáo tiếp cận người dùng Facebook để lừa tiền thông qua 2 hình thức.
Đó là giả mạo fanpage Co.opmart để bán hàng online - giao hàng và thu tiền tận nhà với những sản phẩm hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng. Giả mạo trang tuyển dụng Co.opmart để lừa những người xin việc bằng các công việc lương cao, giờ giấc linh hoạt, không cần bằng cấp tại hệ thống Co.opmart toàn quốc, người xin việc sẽ phải ứng từ vài trăm cho đến hàng triệu đồng phí đồng phục, phí đào tạo, sau đó đối tượng lừa đảo trốn biệt tăm.
Để ngăn chặn thực trạng này, Saigon Co.op đã phải tiến hành báo cáo để Facebook xóa các tài khoản giả mạo nhưng không lâu sau, số lượng các trang tương tự xuất hiện ngày càng nhiều. Một số trang mạng tinh vi thay logo khác nhưng vẫn dùng thông tin của Co.opmart nên việc kiểm soát hết sức khó khăn, khiến một số người tiêu dùng vẫn mắc bẫy.
Để khuyến cáo người tiêu dùng, nhà bán lẻ này đã phát đi thông báo rằng hiện nay, hệ thống siêu thị Co.opmart chỉ có một trang Facebook chính thức là https://www.facebook.com/hethongcoopmartvn/ và có dấu xác nhận của Facebook. Bên cạnh đó, mỗi siêu thị Co.opmart tại các tỉnh, thành có trang riêng đều thể hiện thông tin đầy đủ địa danh, ví dụ Co.opmart Bảo Lộc, Co.opmart Bình Dương, Co.opmart Long Xuyên, Co.opmart Nguyễn Bình… chứ không ghi chung chung.
Để bảo vệ người tiêu dùng, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã khuyến cáo các loại hình bán hàng trực tuyến tiềm ẩn nguy cơ gian lận thương mại cao là bán hàng trên mạng xã hội, bán hàng trên các trang web và sàn thương mại điện tử. Hiện tại, vẫn chưa có chính sách quản lý hay công cụ xử phạt nào đủ mạnh để hạn chế đến mức thấp nhất hàng gian, hàng giả ở các loại hình này. Thông thường, chỉ khi khách hàng kiện cáo, cơ quan chức năng mới có cơ sở kiểm tra, xử lý và chưa hẳn cơ quan chức năng đã tìm ra nơi cung cấp, cất giữ hàng hóa để tiến hành xử phạt. Vì thế, người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình bằng cách tìm hiểu kỹ thông tin trước khi mua hàng hóa. |