Cẩn trọng với “cây tỷ đô”

°PV:
Cẩn trọng với “cây tỷ đô”

Chiều 7-4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn (ảnh) đã có cuộc trao đổi với một số cơ quan báo chí lý giải về việc vì sao Bộ NN-PTNT mới đây chỉ cho phép và “chốt” quy hoạch trồng gần 10.000ha cây mắc ca (còn được mệnh danh là “cây tỷ đô” hoặc “cây nữ hoàng”).

°PV: Hơn 1 năm nay, nông dân nhiều nơi đã và đang sốt sắng tìm cơ hội trồng cây mắc ca sau khi có thông tin đây là loại “cây tỷ đô”, 1kg hạt bán lẻ có thể lên tới 500.000 đồng. Ông có khuyến cáo gì?

°Thứ trưởng HÀ CÔNG TUẤN: Cây và hạt mắc ca đã và đang được trồng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có nhiều quốc gia phát triển cũng trồng, cho giá trị kinh tế rất cao. Vì vậy, có người mệnh danh là “cây nữ hoàng”, “cây tỷ đô”. Nhưng ở Việt Nam thì đây là một loại cây trồng còn mới lạ mà bà con nông dân vẫn chưa quen về kỹ thuật, từ tạo giống đến trồng và thu hoạch, đặc biệt là chúng ta còn bỡ ngỡ về thị trường tiêu thụ, chưa có hệ thống cơ sở chế biến đủ mạnh để yên tâm trồng với diện tích lớn.

Theo quy trình, để hạt mắc ca bán được giá cao như kỳ vọng thì phải đảm bảo tuân thủ điều kiện nghiêm ngặt về thu hái, bảo quản và sơ chế (tất cả chỉ diễn ra trong thời gian ngắn). Tại Australia, 1kg hạt mắc ca khô hiện nay có thể bán 3,6USD nhưng ở Nam Phi chỉ bán được 1,5USD, còn ở Kenya thì chưa đến 1USD… Mà theo các chuyên gia về mắc ca tính toán, nếu bán dưới 1,5USD thì sẽ không duy trì được.

Hạt mắc-ca trồng ở Lâm Đồng

°Một số thông tin cho rằng hiện Việt Nam có thể trồng được 200.000ha cây mắc ca. Tại sao trong quyết định mới đây nhất, Bộ NN-PTNT lại chỉ cho phép trồng gần 10.000ha?

°Con số 200.000ha có thể trồng cây mắc ca ở Việt Nam không phải do ngân hàng hay các doanh nghiệp đưa ra mà chỉ là số liệu tính toán về tiềm năng có thể trồng của Viện Điều tra quy hoạch rừng. Còn như tôi đã nói, việc phát triển cây mắc ca ở Việt Nam cần phải được tính toán và cân nhắc kỹ. Chúng ta không thể trồng ồ ạt mặc dù có người mệnh danh nó là “cây nữ hoàng”.

Việc chỉ dừng lại ở quy hoạch 10.000ha của Bộ NN-PTNT cũng không phải vì sức ép nào. Không phải chúng tôi lo rủi ro cho chính mình khi ra quyết định phê duyệt mà là vì lo rủi ro cho người nông dân, doanh nghiệp và ngân hàng. Để trồng cây mắc ca, khó khăn nhất hiện nay không chỉ là bài toán về thị trường có ổn định, chắc chắn không mà còn là cơ sở chế biến có đáp ứng được yêu cầu hay không. Ngoài ra là kỹ năng trồng của bà con, chúng ta cũng cần nghiên cứu bài học từ Trung Quốc khi cây mắc ca chết hàng loạt, không ra hạt.

Trước khi quyết định phê duyệt quy hoạch, chúng tôi cũng đã gửi thư tham khảo tư vấn của Hội Phát triển cây mắc ca thế giới và họ khuyên Việt Nam chỉ nên quy hoạch ở mức 10.000ha đến năm 2030 và trong quy hoạch đến năm 2020, chúng tôi cũng chỉ cho phép trồng theo quy mô tập trung là 2.350ha, còn lại hơn 7.000ha là trồng lẫn với các loại cây khác. Như tại Australia (thiên đường của cây mắc ca - PV), họ cũng chỉ trồng 17.000ha bao năm nay, mặc dù họ có kinh nghiệm và kỹ thuật giỏi hơn chúng ta rất nhiều.

°Tuy nhiên, hiện nay nhiều nơi bà con vẫn đang “sốt” với cây mắc ca. Tại một số vùng như Tây Nguyên đã có tình trạng phá vỡ quy hoạch hoặc tự quy hoạch. Bộ NN-PTNT sẽ kiểm soát việc tuân thủ quy hoạch như thế nào để cây mắc ca không tương tự như cao su, cà phê… đều vượt quy hoạch tới hàng trăm ngàn hécta?

°Thực tế mới chỉ có tỉnh Lâm Đồng đưa ra quy hoạch hơn 1.000ha trồng cây mắc ca nhưng hiện nay đã dừng lại để tuân thủ quy hoạch chung của Bộ NN-PTNT. Các tỉnh khác cũng chưa có tỉnh nào phê duyệt. Trên thực tế đã có những doanh nghiệp gặp thất bại khi trồng cây mắc ca. Một số doanh nghiệp làm tốt thì họ cũng chỉ dừng lại ở diện tích vài chục hécta. Theo nguyên tắc, chính quyền các địa phương phải có trách nhiệm giám sát việc tuân thủ quy hoạch ở địa phương mình, còn Bộ NN-PTNT chỉ giám sát tổng quan. Theo quy hoạch của Bộ NN-PTNT, hiện chỉ cho phép trồng ở hai khu vực gồm Tây Bắc và Tây Nguyên. Những địa phương đã trồng như Thanh Hóa, Quảng Trị… cần xem xét, cân nhắc kỹ vì theo các nhà khoa học, những nơi này sẽ không hiệu quả khi trồng cây mắc ca.

° Theo ông, khó khăn nhất để “cây tỷ đô” sống được ở Việt Nam là gì?

° Từ việc kiểm soát cây giống chất lượng đến kỹ thuật trồng, chính sách hỗ trợ đều quan trọng nhưng theo tôi khó khăn nhất vẫn là thị trường và hệ thống chế biến, sơ chế hạt mắc ca có đảm bảo như kỳ vọng không? Hiện nay, Bộ NN-PTNT đã có quy hoạch vùng nguyên liệu, có nghĩa là dọn sẵn địa bàn để thu hút doanh nghiệp nhảy vào đầu tư cơ sở chế biến, tiêu thụ…, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có doanh nghiệp nào có cam kết sẽ mua sản phẩm của người trồng cây mắc ca. Như vừa qua, nhiều nơi xôn xao về việc trồng cây mắc ca nhưng được lợi nhất vẫn chỉ là các cơ sở bán hạt giống, cây giống. Nếu không có các nhà máy chế biến thì cây mắc ca không bán được, sẽ có rủi ro. Vì vậy, để phát triển trồng cây mắc ca, chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp phải có cam kết tiêu thụ sản phẩm cho   nông dân.

°Cảm ơn ông!

VĂN PHÚC (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục