Cẩn trọng với “thẻ vàng”

Ủy ban châu Âu (EC) vừa thông báo “rút thẻ vàng” đối với các sản phẩm hải sản Việt Nam với lý do những hành động của Việt Nam chưa đủ chống lại nạn đánh bắt bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quản lý (gọi tắt là IUU). 
Ông Nguyễn Ngọc Oai chủ trì cuộc họp báo về việc EU “rút thẻ vàng” thủy sản Việt Nam
Ông Nguyễn Ngọc Oai chủ trì cuộc họp báo về việc EU “rút thẻ vàng” thủy sản Việt Nam
Đây được xem như lời cảnh báo để Việt Nam có biện pháp khắc phục tình trạng này trong 6 tháng tới. Nếu không có biện pháp hiệu quả thì nguy cơ bị “rút thẻ đỏ” là điều khó tránh khỏi, khi đó, hải sản Việt Nam sẽ bị cấm vào thị trường Liên minh châu Âu (EU). 
Trước mắt, khi bị “thẻ vàng”, 100% container sản phẩm hải sản của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang các nước EU đều bị kiểm tra nguồn gốc. Việc kiểm tra này không chỉ kéo dài thời gian (có thể thêm 3-4 tuần), mà còn phát sinh phí lưu giữ tại cảng, phí kiểm tra nguồn gốc (khoảng 500 bảng Anh/container). Từ kinh nghiệm của Philippines cho thấy, tỷ lệ các container hàng bị trả lại khá cao, lên đến 70%, dẫn đến thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Trên hết, việc cảnh báo gây ra nhiều tác động xấu, ảnh hưởng trực tiếp với việc xuất khẩu hải sản sang EU, cho dù giá trị xuất khẩu hải sản vào thị trường này hiện chưa đáng kể. Quốc gia bị thẻ vàng còn bị nêu công khai trên website chính thức của EU và các tạp chí; điều này ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh ngành hải sản Việt Nam. 
Một động thái đáng quan ngại khác là việc Mỹ - thị trường nhập khẩu thủy hải sản nhiều thứ hai trên thế giới, cũng sẽ áp dụng chương trình giám sát nhập khẩu thủy hải sản vào Mỹ (SIMP), có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Điều này càng đặt ra thách thức cho doanh nghiệp Việt khi bình quân mỗi năm, Mỹ nhập khẩu hải sản của Việt Nam trị giá khoảng 350-400 triệu USD. Với những quy định và yêu cầu thu thập dữ liệu, SIMP không chỉ áp cho hải sản khai thác mà còn với cả hải sản nuôi, và xa hơn có thể cả sản phẩm tôm nước lợ đang được nuôi ở Việt Nam.
Ủy ban Hải sản VASEP (thuộc Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam) khẳng định, việc bị EC rút thẻ vàng vừa là thách thức đối với ngành chế biến hải sản, nhưng đồng thời là động lực để ngành khai thác hải sản tổ chức lại sản xuất, hoàn thiện hệ thống quản lý nghề cá. VASEP đang chung tay với Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và các cơ quan liên quan thực hiện chương trình hành động quốc gia chống khai thác IUU. Song song đó, VASEP cùng các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản quyết tâm thực hiện chương trình hành động chống khai thác IUU. Theo đó, chỉ mua và nhập khẩu nguyên liệu hải sản khai thác có nguồn gốc rõ ràng, xây dựng quy tắc thu mua hải sản minh bạch. Đề xuất thay đổi phương thức quản lý cảng cá, xây dựng cơ sở dữ liệu nghề cá phục vụ cho việc quản lý và truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của EU… 
VASEP kỳ vọng, với sự chung tay hợp tác tích cực  cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp hải sản và ngư dân, hy vọng trong 6 tháng tới, ngành khai thác hải sản Việt Nam sẽ có những cải thiện về thể chế cũng như thực tiễn. 

Tin cùng chuyên mục