Ngày 12-8, báo Izvestia dẫn nguồn tin ngoại giao Nga cho biết, nước này đang xem xét phương án đáp trả âm mưu khủng bố tại Crimea mà Mátxcơva cho rằng có sự liên quan của tình báo quân đội Ukraine, trong đó có thảo luận khả năng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Kiev.
Bấc ném đi, chì ném lại
Nguồn tin trên tiết lộ Nga đang xem xét một trong những phương án đáp trả quyết liệt có thể là cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Vladimir Putin sẽ đưa ra quyết định cuối cùng sau khi phân tích đầy đủ các thông tin đã thu thập được.
Cũng theo nguồn tin trên, Mátxcơva đang xem xét khả năng đóng cửa Đại sứ quán của mình tại Kiev và triệu hồi tất cả các nhân viên ngoại giao về nước sau khi phía Ukraine từ chối đề xuất của Nga đề cử ông Mikhail Babich, người từng giữ một chức vụ cấp cao trong Cơ quan An ninh Liên bang (FSB), thay thế Đại sứ Nga Mikhail Zurabov tại Ukraine. Cho đến nay, đại diện chính thức của Mátxcơva tại Kiev là Đại biện lâm thời Sergey Toropov. Phía Ukraine cũng không cử Đại sứ tại Nga kể từ năm 2014 và hiện chỉ có đại diện ngoại giao tại Mátxcơva.
Quân đội Nga tăng cường phòng vệ ở bán đảo Crimea
Cùng lúc này, thành viên của Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, Olga Kovitidi thông báo mạng Internet đã bị ngắt ở khu vực phía Bắc Bán đảo Crimea vì những lý do an ninh. Trước đó, Hội đồng An ninh Nga đã nhóm họp dưới sự chủ trì của Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về các biện pháp bổ sung nhằm siết chặt an ninh chống khủng bố, bảo vệ người dân và cơ sở hạ tầng thiết yếu của Crimea.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Bộ Ngoại giao nước này đã đồng loạt phủ nhận những cáo buộc của Nga cho rằng Kiev đứng sau âm mưu khủng bố tại Crimea. Đại diện thường trực của Ukraine tại LHQ Volodymyr Yelchenko đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (LHQ) họp khẩn liên quan tới những căng thẳng mới giữa Nga và Ukraine. Ông Volodymyr Yelchenko cũng để ngỏ khả năng Ukraine sẽ một lần nữa đề nghị triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tại vùng Donbass ở miền Đông Ukraine.
Ông Poroshenko đã ra lệnh cho tất cả các đơn vị quân đội gần bán đảo Crimea và vùng Donbass ở miền Đông Ukraine “sẵn sàng cho chiến tranh”. Các đơn vị quân đội Ukraine đóng tại khu vực giáp ranh với bán đảo Crimea đã thi hành hàng loạt biện pháp nhằm thực hiện các nhiệm vụ chuyển quân và phương tiện theo chỉ thị của Tổng thống Poroshenko.
Nga chỉ trích phương Tây dung túng
Theo đề nghị của Kiev, Hội đồng Bảo an LHQ đã có cuộc họp kín kéo dài khoảng 1 giờ liên quan những căng thẳng mới giữa Nga và Ukraine xung quanh vấn đề an ninh ở bán đảo Crimea. Tại đây, Đại sứ Ukraine tại LHQ Volodymyr Yelchenko đã yêu cầu phía Nga đưa ra các chứng cớ liên quan tới cáo buộc tình báo Ukraine đứng sau một âm mưu khủng bố vừa bị Nga phát giác ở Crimea. Đại sứ Ukraine cũng đề nghị các quan sát viên LHQ và Liên minh châu Âu (EU), cùng các quan chức Ủy ban chữ thập đỏ quốc tế tới Crimea để thẩm vấn 2 đối tượng bị Nga bắt giữ trong vụ phát giác âm mưu khủng bố trên.
Về phần mình, phát biểu sau cuộc họp, Đại diện thường trực Nga tại LHQ Vitaly Churkin đánh giá cuộc họp là hữu ích đối với Nga, giúp Mátxcơva cung cấp thông tin cho đại diện các nước khác về âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào hạ tầng cơ sở trên bán đảo này. Ông Churkin cho biết, trong cuộc thảo luận, nhiều ủy viên Hội đồng Bảo an LHQ đã kêu gọi các bên thực hiện đầy đủ các thỏa thuận Minsk và điều này “hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Nga”.
Trước cuộc họp, ông Churkin tuyên bố hành động của nhóm biệt kích Ukraine ở Crimea rõ ràng là hành động phá hoại và khủng bố, bởi vậy việc Ukraine đề nghị Hội đồng Bảo an triệu tập phiên họp kín này thực sự gây ngạc nhiên.
Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố cho rằng, chính sự dung túng của phương Tây, đặc biệt là thái độ ủng hộ của NATO, EU và Mỹ đối với những tuyên bố gây chiến của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko trong vấn đề Crimea, đã góp phần thúc đẩy Kiev tới những các hành động mạo hiểm và khiêu khích ở bán đảo này. Phía Nga cũng kêu gọi Ukraine ngừng các bước đi nguy hiểm có thể gây hậu quả nghiêm trọng hơn, đồng thời thực hiện đầy đủ những nghĩa vụ của mình theo các thỏa thuận Minsk nhằm giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.
VIỆT ANH (tổng hợp)