Ngày 13-4, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức họp báo về Hội thảo giáo dục 2018 chủ đề “Giáo dục đại học (GDĐH)-chuẩn hóa và hội nhập quốc tế”.
Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức, diễn ra vào giữa tháng 8 tại Hà Nội.
Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và các nhà hoạch định chính sách cùng trao đổi, thảo luận, đề xuất các ý tưởng nâng cao chất lượng GDĐH Việt Nam, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Từ đó, góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho Ủy ban, các đại biểu quốc hội trong việc thực hiện chức năng giám sát và kiến nghị Quốc hội quyết định chính sách, hoàn thiện pháp luật để phát triển GDĐH, đặc biệt là góp phần hoàn thiện dự thảo luật GDĐH sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm nay.
Hội thảo sẽ có báo cáo về công tác quản lý GDĐH của Bộ Giáo dục-Đào tạo; về thực trạng GDĐH Việt Nam hiện nay; về định hướng phát triển GDĐH Việt Nam trên cơ sở ý kiến tham vấn của các chuyên gia quốc tế… Những chuyên đề sẽ được thảo luận như năng lực hệ thống GDĐH; tài chính đại học; quản lý nhà nước với GDĐH; quản trị đại học..
Theo GS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, GDĐH có nhiều thành quả, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung. Nhưng đứng trước yêu cầu hiện nay, phải chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển của đất nước; của thời đại công nghệ, cuộc cách mạng 4.O. Khác với giai đoạn trước, nhân lực thời kỳ này phải có kỹ năng khác hơn. Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa thì trình độ nhân lực cũng phải được nâng lên. Điều đó đặt ra vấn đề cần chuẩn hóa và hội nhập quốc tế ra sao đối với GDĐH.
Hội thảo lần này thiên về chính sách để phát triển GDĐH, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc Quốc hội thông qua Luật GDĐH sửa đổi vào cuối năm 2018.
Tại họp báo, chia sẻ quan điểm về xếp hạng đại học, theo GS Phan Thanh Bình, GDĐH phải bảo đảm được 3 bước: chất lượng đào tạo chuẩn; kiểm định; xếp hạng. Trước khi xếp hạng, đại học phải “khỏe” đã. Chất lượng và kiểm định là cực kỳ quan trọng đối với GDĐH, sau đó là xếp hạng trong nội bộ, sau đó mới tiến ra thế giới. Ông Bình cảnh báo không nên chạy theo những tiêu chí xếp hạng, mà quan trọng hơn cả là phải bảo đảm chất lượng thực đứng sau những tiêu chí đó.
“Có những trường được xếp hạng cao nhưng chưa chắc đã bảm đảm chất lượng. Thành tích nhất thời nhưng chất lượng phải bảm đảm ổn định”, GS Phan Thanh Bình cảnh báo về nguy cơ chạy theo xếp hạng có tính thương mại.