Cảnh báo thực phẩm bẩn

Cảnh báo thực phẩm bẩn

Trước thực trạng ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra, hóa chất phụ gia vẫn sử dụng bừa bãi, nhất là thực phẩm bẩn đang dồn về dịp tết…, hôm qua 17-12, đoàn lãnh đạo Bộ Y tế đã khảo sát tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại TPHCM. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã dẫn đầu đoàn thị sát tại chợ hóa chất Kim Biên (quận 5), các bếp ăn tập thể và đã có buổi làm việc với UBND TPHCM.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trực tiếp kiểm tra hóa chất, phụ gia tại chợ Kim Biên, TPHCM. Ảnh: Tường Lâm

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trực tiếp kiểm tra hóa chất, phụ gia tại chợ Kim Biên, TPHCM. Ảnh: Tường Lâm

Bà Lưu Thị Kim Nhung, Trưởng ban Quản lý chợ Kim Biên cho biết, chợ có 17 hộ kinh doanh phụ gia thực phẩm sử dụng 21 sạp. Tuy nhiên vẫn còn 5 hộ kinh doanh xen kẽ với ngành hàng khác. Cũng theo bà Nhung, hầu hết các loại hóa chất phụ gia phải bảo quản ở nhiệt độ 15 - 20°C và không được để ánh nắng trực tiếp chiếu vào nhưng chưa quầy hàng nào thực hiện được.

Ông Thái Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý kinh tế quận 5, cho biết đến nay mới cấp được 36 giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP trong tổng số 103 hộ kinh doanh hóa chất phụ gia. “100% hộ kinh doanh hóa chất phụ gia chưa có tủ lạnh bảo quản sản phẩm thích hợp và hầu như rất ít có kiến thức về hóa chất phụ gia”, ông Hải nói.

Làm việc với UBND TPHCM, đoàn lãnh đạo Bộ Y tế đã tập trung nhấn mạnh đến việc kiểm soát thực phẩm đầu vào, nhất là từ các chợ đầu mối và giải pháp “chuỗi thực phẩm an toàn” mà UBND TPHCM đang triển khai thực hiện. Trong đó thịt gia súc, gia cầm bẩn được xem ẩn chứa nhiều nguy cơ bệnh tật nhất.

Theo ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM, hiện phần lớn thịt gia súc, gia cầm là từ các tỉnh cung cấp vào TPHCM. Tuy nhiên, theo ông Thảo, thời gian qua thịt bẩn, thịt thối tuồn vào TPHCM vẫn còn… Về tình trạng vẫn còn xảy ra ngộ độc thực phẩm với 8 vụ khiến 848 người mắc trong năm qua (tăng hơn 100 người so với năm 2010), Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng nguyên nhân là các suất ăn công nghiệp chưa đảm bảo.

“Nhưng đó chỉ là ngộ độc cấp tính, sợ nhất là ngộ độc mãn tính, ảnh hưởng đến nòi giống”, Bộ trưởng Bộ Y tế cảnh báo. Điểm qua tỷ lệ giám sát kiểm nghiệm hóa lý, vi sinh của nhiều loại thực phẩm như nước đóng bình, đóng chai, mứt, dụng cụ chế biến, bánh phở chưa đạt chỉ tiêu VSATTP lên tới trung bình 20% - 50%, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng còn nhiều thực phẩm quá bẩn.

Trước thực trạng trên, đồng chí Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết UBND TP đã yêu cầu các KCN-KCX để dành đất để xây dựng khu bếp ăn tại chỗ, hạn chế tình trạng vận chuyển thức ăn từ nơi khác đến dễ gây ngộ độc.

Theo đồng chí Hứa Ngọc Thuận, để tiến tới 50% nguồn thực phẩm vào thành phố được kiểm soát VSATTP vào năm 2015, TP đang triển khai đề án “chuỗi thực phẩm an toàn” từ nơi trồng trọt, chăn nuôi đến nơi tiêu thụ. Cam kết với các công ty, các tỉnh xây dựng, cung cứng các chuỗi thực phẩm an toàn.

Đánh giá cao đề án này, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị UBND TPHCM xúc tiến thực hiện như một biện pháp căn cơ, toàn diện. Mặt khác, Bộ trưởng yêu cầu đặt ngay các trạm kiểm soát, kiểm dịch thực phẩm ở các chợ đầu mối bởi nguồn cung ứng lớn. Ngoài việc yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm, Bộ trưởng Bộ Y tế nói cần công khai những cơ sở vi phạm lên thông tin truyền thông để người dân biết, tẩy chay.

Tường Lâm

Tin cùng chuyên mục