Cảnh báo ùn tắc giao thông từ xa: Có hiệu quả?

Ý định chính là góp phần ngăn chặn ùn tắc, kẹt xe, nhưng liệu việc thông báo từ xa qua màn hình điện tử có kịp thời, liên tục và quan trọng hơn, liệu sẽ đạt hiệu quả như mong muốn?
Cảnh báo ùn tắc giao thông từ xa: Có hiệu quả?

Ý định chính là góp phần ngăn chặn ùn tắc, kẹt xe, nhưng liệu việc thông báo từ xa qua màn hình điện tử có kịp thời, liên tục và quan trọng hơn, liệu sẽ đạt hiệu quả như mong muốn?

Biển chỉ dẫn giao thông bằng điện tử đã được gắn tại một số tuyến đường ở TPHCM. Ảnh: KIM NGÂN

Biển chỉ dẫn giao thông bằng điện tử đã được gắn tại một số tuyến đường ở TPHCM. Ảnh: KIM NGÂN

Nỗ lực giảm thiểu ùn tắc

Cơ quan chức năng TPHCM cuối tuần qua vừa đưa vào thực hiện thí điểm cảnh báo từ xa người tham gia lưu thông về tình trạng ùn tắc, kẹt xe đang xảy ra ở đâu đó trên địa bàn thông qua những bảng quang báo điện tử.

Theo đó các thông tin giao thông quan trọng, sau khi đã kiểm chứng sẽ được cơ quan chức năng truyền tải qua internet rồi đưa lên 14 màn hình quang báo điện tử hiện có của ngành giao thông, đặt trên các tuyến đường như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Trỗi, Võ Văn Kiệt, Trường Chinh, Phan Thúc Duyện - Phan Đình Giót, Trần Quốc Hoàn. Nội dung thông tin được đảm bảo độ chính xác và được thể hiện một cách ngắn gọn, rõ ràng, súc tích.

Từ những thông tin cảnh báo ấy, người tham gia lưu thông sẽ nắm bắt sớm, kịp thời nên có thể chủ động biết cần phải “né” cung đường nào, giao lộ nào để giảm thiểu nguy cơ chạy xe vào khu vực đang có mật độ giao thông cao hoặc đang xảy ra ùn tắc, nói cách khác là để tránh rơi vào điểm nóng giao thông phía trước.

Thời gian cung cấp và đưa thông tin giao thông lên hệ thống bảng quang báo điện tử trên địa bàn thành phố sẽ diễn ra suốt tuần, tập trung vào những giờ cao điểm trong ngày. Cụ thể, trong những ngày làm việc từ thứ hai đến thứ sáu, sẽ có 3 cột mốc thời gian thông báo là từ 6 giờ 30 – 9 giờ, từ 10 giờ 30 - 12 giờ và từ 16 giờ 30 - 19 giờ. Riêng ngày nghỉ cuối tuần thứ bảy và chủ nhật chỉ thông báo trong một tiếng, từ 17 giờ - 18 giờ. Thời gian thực hiện thí điểm thông báo kẹt xe từ xa qua màn hình điện tử là 3 tháng, sau đó cơ quan chức năng sẽ tổng kết, đánh giá kết quả trước khi bước sang giai đoạn triển khai mở rộng, theo kế hoạch sẽ bắt đầu từ giữa năm 2013.

Việc tổ chức thông báo từ xa tin tức kẹt xe qua 14 bảng điện tử này được 3 đơn vị cùng liên kết phối hợp thực hiện. Đó là Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, Kênh VOV giao thông 91 MHz của Đài Tiếng nói Việt Nam (gọi tắt là Kênh VOV) và Công ty TNHH giải pháp công nghệ cao FPT.

Còn đó những băn khoăn

Trong buổi họp báo cuối tuần qua, cơ quan chức năng xác nhận một trong những yêu cầu hàng đầu là thông tin giao thông đưa lên bảng quang báo điện tử không những phải chính xác mà còn phải kịp thời và liên tục. Cơ quan chức năng nói rằng sẽ mất không quá 2 phút từ khi sự cố giao thông xảy ra ở đâu đó, thông tin sẽ được đưa lên bảng quang báo điện tử ngay.

Đây là một băn khoăn, tức là có chút hoài nghi về tính kịp thời của thông tin. Bởi vì, theo thông báo của cơ quan chức năng, thông tin về tình hình giao thông từ các nguồn khác nhau như Kênh VOV, các Khu Quản lý giao thông đô thị và từ người dân được gửi đến Công ty FPT qua đường truyền internet hoặc qua viễn thông. Sau khi tiếp nhận tin báo, Công ty FPT sẽ xử lý thành các mẫu có sẵn trong thư viện thông tin giao thông và chuyển các mẫu này về Trung tâm Điều khiển đèn chiếu sáng công cộng để nơi đây xử lý tiếp.

Tại Trung tâm Điều khiển đèn chiếu sáng công cộng, trực ban sẽ xác nhận và đưa các mẫu tin đã được Công ty FPT chuẩn hóa lên bảng quang báo điện tử. Với chu trình xử lý như vậy, ngay cả khi tin ùn tắc được báo về Công ty FPT rất sớm, thời gian thông tin xuất hiện trên bảng điện tử chỉ 2 phút từ khi sự cố xảy ra có nguy cơ cao bị “bể sô”, tức là tính kịp thời sẽ không đảm bảo.

Thứ hai, hiện chỉ có 14 bảng quang báo điện tử để truyền tải thông tin cho người tham gia lưu thông. Số lượng bảng điện tử quá ít, cũng chưa nằm ở những cung đường quá tải giao thông dữ dội, điển hình tại TPHCM. Nói cách khác, hàng loạt tuyến đường xung yếu, huyết mạch hàng đầu của thành phố hiện vẫn chưa được “phủ sóng” bảng quang báo điện tử. Ông Đậu An Phúc - Trưởng phòng Quản lý khai thác giao thông thuộc Sở GTVT cho biết sở hiện đang xây dựng kế hoạch đầu tư nhiều bảng quang báo điện tử mới trong năm 2013, tất nhiên sẽ chọn những vị trí sầm uất giao thông để đặt bảng thông báo.

Cuối cùng vấn đề thói quen của người dân cũng có thể “vô tình” làm giảm hiệu quả mong muốn. Có một thực tế là một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông lâu nay thường chỉ có phản xạ nhìn xem trên đường có cảnh sát giao thông đứng chốt không chứ chưa có thói quen quan sát biển báo giao thông để chấp hành. Đây là điều ngành chức năng phải tính tới và giải pháp khắc chế tốt nhất chính là đẩy mạnh khâu tuyên truyền.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục