Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa kết thúc điều tra vụ án Nguyễn Thành Chơn và đồng bọn “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại TPHCM. Từ vụ án này đã lộ ra nhiều chiêu, trò lừa đảo mới, khiến cho nhiều người nhẹ dạ cả tin mất hàng tỷ đồng…
Đối tượng Nguyễn Minh Hiệp trong vụ “kho tiền tỷ đô”
Những “kho tiền tỷ đô”
Từ mối quan hệ quen biết, tháng 5-2013, ông Chính (ngụ huyện Bình Chánh) nhờ Nguyễn Thành Chơn kiểm tra giá trị của 2 hộp Bond series (được hiểu là hộp chứa những loại phôi in tiền đô la Mỹ) sản xuất năm 2003, 2006. Chơn đem 2 hộp Bond khoe với Lê Thị Lý là có giá trị 274,3 tỷ USD và số series trong 2 hộp Bond hiện nằm trong kho trên lãnh thổ Việt Nam, do các “cụ” trông coi. Muốn lấy số tiền này ra, người giữ 2 hộp Bond phải gặp trực tiếp lãnh đạo cao nhất của Việt Nam để xin phép khai thác, vận chuyển và giao lại cho Nhà nước sử dụng vào mục đích an sinh xã hội. Muốn khai thác kho tiền đô la Mỹ theo 2 hộp Bond này phải lo “chi phí quan hệ”, “chi phí vận chuyển”, “chi phí thăm các cụ giữ kho”…
Sau khi xem 2 hộp Bond do Chơn đưa, Lý chụp ảnh và đem khoe với Nguyễn Ngọc Tương. Tương tìm gặp Nguyễn Thu Hoa nói về 2 hộp Bond này và khẳng định đã tiếp cận được “kho tiền tỷ đô”. Tin lời, Hoa đồng ý chi tiền để sở hữu 2 hộp Bond, nhưng yêu cầu Tương, Lý, Chơn cung cấp kèm theo 2 hộp Bond phải có 7 block tiền USD có các mệnh giá từ 1USD đến 100 và 1.000USD. Chơn cam kết trong vòng 7 ngày cung cấp đủ yêu cầu này của Hoa. Tin lời, Hoa ứng trước cho Tương 500 triệu đồng.
Sau đó, thông qua Tương và Lý, Hoa đưa tiếp cho Chơn tổng cộng 3,2 tỷ đồng. Có tiền, Chơn đi thu gom đô la Mỹ tại các tiệm vàng theo series năm 2003, 2006 với mệnh giá từ 1USD đến 50USD, tổng cộng 56.300USD (tương đương 1,35 tỷ đồng) để đưa lại cho Tương, Lý, Hoa. Số tiền 1,85 tỷ đồng còn lại Tương chiếm đoạt.
Để làm rõ số đô la Mỹ trên, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định trưng cầu giám định, với kết quả có nhiều series đô la Mỹ bị tẩy xóa và in nội dung mới, hoặc in thêm ký hiệu trên đồng tiền, nội dung nguyên thủy không xác định được…
Chứng nhận giả và thẻ ATM giả mang tên Nguyễn Văn Đoan đã lừa đảo được nhiều người
Một vụ việc khác cũng được Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an điều tra làm rõ về một “kho tiền tỷ đô” có giá trị lên đến 1.230 tỷ USD. Người tự nhận đang quản lý “kho tiền tỷ đô” này là Nguyễn Minh Hiệp. Hiệp cho biết được một người tên Hai ở tỉnh Cà Mau giao giữ và đang cất giấu ở 6 kho. Tin lời, bà Nguyễn Thị Lập, Tổng Giám đốc Công ty Thế giới Hòa Bình, đã ký hợp đồng với Hiệp nhận ủy quyền quản lý “kho tiền tỷ đô” này. Bà Lập đã đưa hàng trăm triệu đồng cho Hiệp để lo “chi phí”. Cũng bằng thủ đoạn này, Hiệp còn lấy được của ông Kim (Công ty XNK Kim Phát) 30.000USD và ông Nguyễn Thanh Hùng 1,2 tỷ đồng.
Cũng với thủ đoạn ứng “chi phí” để lo chạy sở hữu “kho tiền tỷ đô”, đầu tháng 9-2014, ông Nguyễn Văn Cư (ngụ quận 10), Chủ tịch HĐQT Công ty Giày Đức Thành, còn bị đối tượng Tám Nốp lấy hơn 1 tỷ đồng. Vụ việc đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an theo dõi và bắt giữ khi đối tượng này đang nhận của ông Cư 300 triệu đồng tại một quán cà phê… Ông Cư còn “dính” vào một vụ khác và đã mất hàng chục ngàn USD cho một đối tượng tên Nguyễn Văn Đoan (ngụ Đồng Nai) để kích hoạt thẻ ATM rút tiền trong kho tiền… 3 tỷ USD.
“Nhà bác học” biến nước biển thành… xăng dầu
Ông Nguyễn Văn Cư còn liên quan trong một vụ việc khác với đối tượng Thành (Ba Phong, ngụ quận 9). Thành tự giới thiệu là “nhà bác học” từ Mỹ về đang nắm giữ công nghệ tuyệt mật, biến nước biển thành xăng dầu. Thiết bị có giá trị 6 triệu USD, công suất 500 tấn xăng dầu/ngày, có thể cung cấp cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mỗi tháng 30.000 tấn.
Cùng tham gia với Thành còn có các đối tượng tên Biền, Sinh, Vũ. Thành cho biết thiết bị đã nhập về, hiện đang làm thủ tục tại Chi cục Hải quan Ninh Thuận. Tin lời, ông Cư chỉ đạo công ty “con” của mình là doanh nghiệp Vĩnh Tường đứng ra ký hợp đồng với các đối tượng trên, cam kết đưa trước 25 tỷ đồng (tương đương 1,2 triệu USD) để đặt cọc mua máy móc thiết bị trả chậm, mua phụ gia sản xuất dầu tinh chế, mua bồn chứa… Ông Cư đã đưa cho các đối tượng này hàng chục ngàn USD để đi lại làm thủ tục nhập thiết bị, “chi phí cho cán bộ Hải quan”…
Theo Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, các cam kết trong hợp đồng giữa ông Cư và các “nhà bác học” mang tính cá nhân và nếu xảy ra tranh chấp thì các bên tự giải quyết với nhau. Nhưng hành vi lôi kéo người khác bỏ tiền ra tham gia vào chế biến nước biển thành xăng dầu là có yếu tố lừa đảo, vì trên thế giới hiện nay chưa có cá nhân, tổ chức của quốc gia nào công bố công nghệ biến nước biển thành xăng dầu.
Thời gian qua, ở một số địa phương đã có nhiều nạn nhân mất hàng chục tỷ đồng từ các trò lừa đảo này. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an kêu gọi người dân hãy cảnh giác và mạnh dạn tố cáo đến cơ quan chức năng khi bị các đối tượng này dụ dỗ, lôi kéo để vụ việc được điều tra, xử lý theo pháp luật.
MINH ĐỨC