Nguy cơ cháy cao
Trưa 20-2, tránh cái nóng như đổ lửa trong căn phòng trọ lụp xụp mái tôn, chị Trần Thị Hằng sống trong khu nhà trọ A32/5D quốc lộ 50 (ấp 1, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) mang bếp gas mini ra trước nhà nấu ăn. Do bất cẩn, chị Hằng để lửa từ bếp gas bén sang đống rác bên cạnh. Chốc lát, lửa cháy lớn và lan lên hệ thống dây cáp quang, dây điện ở phía trên. Sự cố hỏa hoạn khiến hàng chục người trong khu trọ hoảng sợ tháo chạy. Rất may, 2 thanh niên ở nhà đối diện kịp phát hiện, mang bình CO2 đến khống chế được ngọn lửa.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ Công an TPHCM (PC07), tính từ đầu mùa khô năm 2019 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy hơn hơn 100 sự cố hỏa hoạn, cháy, trong đó có nhiều vụ gây thiệt hại lớn về tài sản. Hầu hết các vụ cháy đều xuất phát từ việc bất cẩn, vi phạm các quy định về an toàn cháy nổ của người dân trong quá trình sinh hoạt, sản xuất. Lĩnh vực xảy ra cháy nhiều chủ yếu là nhà phố, cơ sở sản xuất trong khu dân cư; các bãi rác, cỏ khô…
Nguy cơ cháy và hậu quả để lại từ các các vụ cháy rất đáng lo ngại, thế nhưng hiện nay việc phòng cháy rất lơ là. Ghi nhận tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) vào sáng 19-2, ở khu vực hàng ăn uống, nhiều tiểu thương bố trí bếp lò khè (lửa tỏa ra lớn) để chiên chả cá ngay bên cạnh những kệ hàng có vật liệu dễ cháy như giấy cúng, bao bì, vải. Một số khách đến chợ vô tư hút thuốc, vứt tàn ngay dưới kệ hàng vải.
Đáng ngại hơn, để giảm sức nóng của mùa nắng, rất nhiều tiểu thương tự ý câu nối điện để mắc thêm quạt. Ghi nhận nhiều ngày qua, chúng tôi thấy các vi phạm trên tại chợ Bà Chiểu diễn ra liên tục, ban quản lý và lực lượng bảo vệ chợ thấy rõ nhưng không hề xử lý hoặc nhắc nhở. Khi chúng tôi trực tiếp đề cập đến việc PCCC, nhiều tiểu thương buôn bán tại chợ tỏ ra không quan tâm.
“Tôi bán vải ở đây gần chục năm nay, chưa thấy tiểu thương nào bị xử phạt lỗi vi phạm PCCC bao giờ, mà cũng hiếm khi thấy chính quyền, cảnh sát hay ban quản lý chợ kiểm tra PCCC”, bà Thương, tiểu thương ở chợ Bà Chiểu, cho biết.
Các nơi thờ tự (đình, chùa, miếu), cơ sở sản xuất, bãi xe… là những nơi dễ xảy ra cháy trong mùa khô. Theo Đội Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ - Công an quận 8, tại những nơi này, cứ kiểm tra là phát hiện có vi phạm về PCCC. Đối tượng vi phạm phần lớn là người dân, chủ cơ sở thiếu ý thức, không có kiến thức pháp luật về PCCC.
Hệ thống chính trị phải vào cuộc
Để ngăn chặn hiệu quả cháy nổ xảy ra trong mùa khô, đại diện Đội Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ - Công an quận 8 cho rằng cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nếu chỉ có riêng công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của cảnh sát PCCC, e khó phát huy được hiệu quả. Trong số các giải pháp, cần lấy công tác tuyên truyền làm đầu. Xác định rõ điều này, từ cuối tháng 12-2018, Công an quận 8 đã tham mưu cho Quận ủy, UBND quận chỉ đạo các phòng ban, đoàn thể phối hợp tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau. Đến nay, cơ bản các hộ dân trên địa bàn quận đều đã được phổ biến về kiến thức PCCC, hướng dẫn, tập huấn kỹ năng thoát nạn.
Đại tá Huỳnh Văn Quyến, Phó Trưởng Công an huyện Bình Chánh, cho biết 3 đối tượng được công an huyện tập trung thực hiện các giải pháp phòng cháy trong mùa khô là chung cư, cơ sở sản xuất và rừng phòng hộ. Đối với các chung cư trên địa bàn, ngay từ trước Tết Nguyên đán 2019, Công an huyện Bình Chánh đã tổng rà soát, đánh giá, phân loại nguy cơ cháy ở từng chung cư, đồng thời tổ chức hội nghị PCCC chung cư để qua đó UBND huyện nắm rõ tình hình và có chỉ đạo, yêu cầu từng đơn vị liên quan thực hiện giải pháp khắc phục phù hợp. Cùng với đó, Công an huyện cũng tổ chức các đợt kiểm tra chuyên đề đối với các cơ sở sản xuất có nguy cơ cháy nổ, kiên quyết xử lý, tạm đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở vi phạm kéo dài. Ngoài ra, từ sau tết, Công an huyện Bình Chánh cũng phối hợp với ngành kiểm lâm TPHCM rà soát, tạo ranh ngăn lửa tại các cánh rừng ở xã Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai.
Công an TPHCM khuyến cáo, TPHCM đang ở đỉnh điểm nắng nóng của mùa khô, cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng cơ sở cần tăng cường tuyên truyền PCCC đến người dân. Đối với người dân, cần nâng cao ý thức PCCC trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh. Riêng lực lượng cảnh sát PCCC cần làm tốt công tác nắm tình hình, theo dõi địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý các nguy cơ cháy, các vi phạm phát sinh; chủ động các phương án xử lý sự cố, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn.