
Giữa trưa nắng rát ở TPHCM, hai chàng trai trẻ chạy xe chầm chậm hòa mình vào dòng người trên đường bám theo một đối tượng khả nghi. Sau vài khúc cua, phát hiện có người theo đuôi, đối tượng định tăng ga tẩu thoát. Nhanh như cắt, một chàng trai trẻ lao xe tới, người còn lại nhanh chóng áp sát đối tượng. Tên cướp hung hãn quay lại, dùng chiếc rìu giấu trên xe tấn công tới tấp vào những người truy đuổi chúng. Sau hơn 10 phút chống trả quyết liệt, tên cướp bị các anh tóm gọn. Hai chàng trai trẻ đó là Nguyễn Đức Hưng và Võ Quốc Đạt, hai trinh sát của Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm (PC 45, Công an TPHCM) còn đối tượng bị bắt là một tay anh chị khét tiếng bị truy nã và đang nhiễm HIV.
Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải (bìa phải) chúc mừng công dân trẻ - trinh sát hình sự đặc nhiệm Võ Quốc Đạt.Ảnh: việt Dũng
Chiến công thầm lặng
Những chiến sĩ được trang bị đầy đủ từ vũ khí, áo chống đạn, dũng mãnh trong những lần truy bắt tội phạm là hình ảnh quen thuộc mà mọi người thường thấy các anh trên phim. Nhưng thực tế, do đặc thù nghề nghiệp, mỗi khi làm nhiệm vụ, các anh thường mặc thường phục giả trang để theo dõi đối tượng như vụ truy bắt đối tượng truy nã trên. Đối tượng là một tay “có số má” và công an địa phương nhiều lần phục bắt nhưng không được.
Được cấp trên giao nhiệm vụ, hai trinh sát trẻ Hưng và Đạt đóng giả người lái xe ôm, phục sẵn ở địa bàn đối tượng đang lẩn trốn. Sau hai ngày ròng rã chờ đợi, tên tội phạm cũng xuất hiện. Tuy nhiên khi hai trinh sát truy đuổi, hắn quay lại chống trả quyết liệt.
“Nguy hiểm nhất là đối tượng nhiễm HIV. Trong quá trình vật lộn giằng co, cả 3 người đều xây xát, chảy máu… Sau lần đó, tôi và anh Hưng phải đến bệnh viện làm xét nghiệm và uống thuốc phơi nhiễm mấy tháng trời”, trinh sát Đạt nhớ lại.
Còn với thượng úy Nguyễn Quốc Hưng, hơn chục năm lăn lộn trong nghề, anh đã cùng đồng nghiệp phá nhiều vụ án. Điển hình là vụ cướp tiền do đối tượng người nước ngoài thực hiện. Đó là vào năm 2011, TP nổi lên một loạt các vụ cướp tiền, bọn tội phạm hầu như không để lại dấu vết khiến người dân hết sức hoang mang. Sau nhiều ngày điều tra, sàng lọc từng đối tượng, lực lượng công an đặc biệt chú ý đến nhóm người Indonesia đang lưu trú tại 2 khách sạn thuộc phường Bến Thành (quận 1, TPHCM).
Thượng úy Hưng nhớ lại: “Tôi cùng nhiều đồng đội khác được phân công đeo bám, mật phục để bắt quả tang các đối tượng. Đến trưa 14-7, khi nhóm người Indonesia gồm 8 đối tượng, thực hiện việc làm xẹp lốp ô tô để cướp 22.900USD của 3 người vận chuyển tiền trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1) thì bị chúng tôi tóm gọn tại trận”.
Trận đánh không có kết thúc
Với người lính đặc nhiệm, những trận đánh trên mặt trận phòng chống tội phạm dường như không có kết thúc. Nhóm này bị triệt phá thì nhóm khác lên thay, mà bọn tội phạm sẵn sàng đổi mạng với người truy bắt chúng. Hôm 11-8 vừa qua, các chiến sĩ hình sự đặc nhiệm đã đã bắt 3 đối tượng trộm cắp, tàng trữ ma túy tại quận 3. Bị truy đuổi chúng đã hung hăng dùng dao, roi điện chống trả công an quyết liệt.
Đa số các chiến sĩ của Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm đều còn rất trẻ. Người ít tuổi nhất chỉ hơn 20. Sau hơn 4 năm thành lập, đội đã triệt phá, truy bắt nhiều nhóm cướp giật, đua xe, tội phạm hình sự đặc biệt nguy hiểm trên đường phố và tham gia thực hiện những chuyên án có tính chất phức tạp.
Tuy nhiên khi được hỏi về các chiến công, vụ án đã phá được, về những tai nạn nghề nghiệp, khó khăn của mình, các anh thường đùa: “Không có sẹo thì không phải lính đặc nhiệm”. Mỗi lần các anh đánh án, nhẹ thì cũng trầy tay, trật chân, nặng hơn phải vào bệnh viện do bị đối tượng dùng hung khí tấn công... Mới tháng rồi, thiếu úy Phạm Huỳnh Ngọc Việt cũng phải vào bệnh viện, uống thuốc phơi nhiễm sau cuộc vật lộn với một tên giật dây chuyền trên đường Tô Hiến Thành (quận 10).
Mỗi nghề nghiệp đều có một khoản lặng riêng. Nhiều anh em mải mê đánh án, giữ gìn cuộc sống bình yên cho mọi người mà quên mất cưới vợ. Còn ai đã có vợ con thì luôn canh cánh nỗi lo vì chưa chu toàn trách nhiệm với gia đình.
Đại úy Lưu Duy Thắng tâm sự: “Phụ nữ phải dũng cảm lắm mới dám lấy lính đặc nhiệm. Chồng cứ biền biệt, chẳng biết ở đâu, làm gì… Có lo cũng chẳng dám hỏi hay gọi điện thoại tìm. Có chị nhiều hôm thấy chồng không về nhà cả tuần. Lo quá bèn kiếm cớ mang ít đồ ăn, quần áo vào cơ quan cho chồng để xem tình hình. Thấy cảnh đó anh em ai cũng ngậm ngùi nhưng chỉ biết động viên nhau cố hoàn thành nhiệm vụ cho nhanh”.
Dù không nói ra, nhưng đằng sau chiến công thầm lặng của các anh là sự động viên, che chở của gia đình, vợ con, bạn bè và giúp sức của mọi người.
SƠN TRÀ