
Cao muôn trượng Hùng Vương khí thế

Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tỉnh thành, ngành trong toàn quốc về làm lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùøng. Ảnh: MINH ĐIỀN - AN DUNG
Mặc cho những cơn mưa dai dẳng suốt đêm 14-4 (tức mùng 9-3 Âm lịch), từ sáng tinh mơ mùng 10-3, hàng vạn người con của đất Việt trong và ngoài nước đã tề tựu đông đủ dưới chân núi Nghĩa Lĩnh, Phú Thọ để cùng tham dự vào ngày Quốc giỗ của dân tộc - Giỗ Tổ Hùng Vương. Tới dự có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân...
Núi Nghĩa Lĩnh rợp trời cờ xí
7 giờ 30 phút, đoàn rước lễ bắt đầu xuất phát từ dưới chân núi Nghĩa Lĩnh. Đi đầu đoàn hành lễ là hai tiêu binh cầm cờ Tổ quốc và cờ hội, hai tiêu binh mang vòng hoa, tiếp đó là đoàn kiệu bát cống và kiệu văn sơn son thiếp vàng. Lễ vật được rước lên Đền Thượng năm nay đã được chuẩn bị khá chu đáo. Ngoài ngũ quả, hương hoa còn có hai sản vật không thể thiếu gắn với truyền thuyết chọn người hiền tài gây dựng và chăm lo cơ đồ là bánh chưng, bánh dày. Ngoài cặp bánh chưng, bánh dày khổng lồ mà nhân dân TPHCM dâng tiến, còn có 100 cặp bánh nhỏ được làm rất công phu để đáp hiếu cha.
Hòa chung với dòng người đang nô nức trẩy hội, cụ Nguyễn Minh Long, quê Hưng Yên, mặc dù đã qua cái tuổi 70 xưa nay hiếm song suốt 30 chục năm qua, cứ tới ngày Giỗ Tổ cụ lại cùng con cháu sửa sang chút lễ thơm thảo của người “nhà quê” dâng lên các Vua Hùng. Cháu gái đi cùng với cụ mừng khi mấy tuần trước trở trời cụ không thể lê bước ra khỏi giường thế mà chỉ nghe con cháu xì xào bàn nhau chuẩn bị đi lễ Đền Hùng vậy là sức khỏe cụ đã khỏe lên rõ rệt, vẫn dáng đi thoăn thoắt trên những bậc đá dẫn lên khu Đền Thượng. Cụ Minh Long tâm sự, cả dân tộc đều chung vui một ngày hiếu thảo với cha mẹ tổ tiên, chẳng có lý do gì có thể ngăn cản được cụ về với cội nguồn.
Về dự lễ Giỗ Quốc Tổ năm nay, do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức, đoàn Việt kiều hơn 30 người từ các nước Pháp, Đức, Hàn Quốc…, đã trồng cây tại Đền Hùng.
Trong không khí trang nghiêm, rợp sắc cờ xí, tại Đền Thượng, thay mặt các thế hệ con cháu Lạc Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Doãn Khánh - chủ tế, đã đọc chúc văn ca ngợi công đức trời biển của các Vua Hùng - những người có công dựng nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam và nguyện với các Vua Hùng: “Dấn thân cho nước, há ngại tử sinh/Hết dạ vì dân, kể gì khó dễ!/Giữ muôn đời Hồng Lạc tinh hoa/Cao muôn trượng Hùng Vương khí thế”.
Thay mặt cho đồng bào cả nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; các Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng và Nguyễn Thiện Nhân... đã thành kính dâng hương tại Điện Kính Thiên, lăng Hùng Vương, Đền Trung, Đền Hạ và Đền Giếng. Tiếp đó, các đoàn đại biểu và người dân đã tham dự lễ đặt vòng hoa tại bức phù điêu có hình tượng Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong tại Đền Giếng. Sau khi hoàn tất việc dâng hương hoa, sản vật của miền Nam lên bàn thờ tổ, đoàn đại biểu của TPHCM đã tham dự lễ dâng hương các Vua Hùng vào buổi sáng và tiếp tục hành trình dâng hương tại Đền Mẫu Âu Cơ.
Ước gì mọi con đường đều thông suốt!
Nếu những năm trước, hiện tượng ách tắc chủ yếu diễn ra tại các bãi đậu xe thì năm nay, với số lượng khách tới Đền Hùng xấp xỉ một triệu người, việc đi lại từ bãi xe lên tới cổng đền là chặng đường gian nan nhất. Đặc biệt, sau lễ tế, hàng vạn khách thập phương đổ về thành kính dâng hương tưởng nhớ Vua Hùng đã phải chịu cảnh ách tắc đường nghiêm trọng. Một số người vì quá sốt ruột trong cảnh chen vai thích cánh đã leo lên trên đồi và men theo con đường đất mong tới đền sớm hơn, bất chấp những cảnh báo nguy hiểm. Do đêm hôm trước trời mưa to, đất đồi bị chảy nhão khiến không ít các trường hợp bị tuột từ trên đồi đất xuống dưới, nhẹ thì bẩn quần áo, nhiều người, đặc biệt là một số trẻ em cũng bị trượt từ trên sườn đồi xuống, xây xát mặt mày buộc phải dừng cuộc hành trình lên bái lễ với tổ tiên. Hơn thế, trong ngày vui chung của dân tộc, một số hiện tượng tiêu cực vẫn tiếp tục xảy ra như tăng phí dịch vụ, ăn uống, trông giữ xe…
Mai An
TPHCM long trọng tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Đông đảo tầng lớp nhân dân vào viếng đền thờ Vua Hùng tại TPHCM sáng 15-4. Ảnh: QUÝ LÂM
Sáng 15-4, Thành ủy – HĐND – UBND – UBMTTQ TPHCM long trọng tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền thờ các Vua Hùng tại Bảo tàng Lịch sử VN TPHCM (trong Thảo Cầm viên). Đến dự có các đồng chí Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Trần Thành Long, Chủ tịch UBMTTQ TPHCM; Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM; Huỳnh Thành Lập, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM; Thượng tướng Phan Trung Kiên, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Đến dự còn có nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, các bà mẹ VN Anh hùng, cán bộ cách mạng lão thành và đại biểu các tầng lớp nhân dân...
Sau khi nêu bật công đức to lớn của các Vua Hùng đối với đất nước và dân tộc, ông Trần Thành Long, Chủ tịch UBMTTQ TPHCM, nhận định: Nhân dân TPHCM đang tích cực thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Hiện nay, các ngành, các cấp và đồng bào TPHCM đang nỗ lực thực hiện các chương trình kinh tế – xã hội năm 2008; tích cực phát triển sản xuất, kinh doanh; thực hành tiết kiệm, hưởng ứng và nỗ lực hơn nữa thực hiện các biện pháp do Chính phủ đề ra để kiềm chế lạm phát. Đặc biệt, đồng bào ở các phường, xã, thị trấn và khu phố, ấp nỗ lực thực hiện chủ trương “Năm 2008 – Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị”, để cùng nhau xây dựng TP thân yêu của chúng ta ngày càng văn minh, hiện đại. Từ cội nguồn thiêng liêng và lòng tự hào về đất nước ngàn năm văn hiến, đồng bào TP chúng ta nguyện sống sao cho xứng đáng với công ơn dựng nước của tổ tiên, biến lý tưởng và mục tiêu cao cả của chủ nghĩa xã hội thành hiện thực trên đất nước các Vua Hùng hôm nay.
Sau đó, nghi thức lễ Giỗ Tổ đã diễn ra trong không khí trang nghiêm, hướng về đất Tổ, về cội nguồn dân tộc với các hoạt động: đọc chúc văn, biểu diễn nhạc lễ, chiêng trống, dâng hương, hoa, lễ vật (bánh chưng, bánh dày), hòa tấu các loại nhạc cụ cổ xưa “Tiếng vọng Trống đồng”. Bên cạnh nghi thức chính là các hoạt động: trưng bày 18 mâm quả nghệ thuật, triển lãm thư pháp, gian hàng trưng bày và bầu chọn cho Vịnh Hạ Long là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới, sân khấu thiếu nhi, biểu diễn cờ người, ca múa nhạc, thời trang dân tộc, giao lưu ca sĩ, nghệ sĩ, tổ chức khu vực trò chơi dân gian, ẩm thực dân gian, hội trại “Về với cội nguồn dân tộc”…

Các đồng chí lãnh đạo, các đại biểu cùng đông đảo nhân dân thắp hương ngày Quốc lễ giỗ tổ Vua Hùng tại đền thờ Vua Hùng trong khuôn viên Thảo Cầm viên TPHCM.
Trong ngày này, Công viên văn hóa Tao Đàn, Khu du lịch văn hóa Suối Tiên, Công viên văn hóa Đầm Sen, Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Phú Lạc (Bình Chánh), Trường THPT Hùng Vương (quận 5)… đều đã tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương trang nghiêm với đầy đủ nghi thức cúng tế truyền thống kết hợp với các hoạt động văn hóa đậm chất dân gian, dân tộc.
9 giờ sáng cùng ngày, Lễ cúng tế tại Đền thờ Vua Hùng-Khu du lịch Suối Tiên, được cử hành long trọng với đầy đủ các nghi thức tâm linh truyền thống. 1.500 diễn viên đại diện cho các dân tộc anh em trên mọi miền đất nước tham gia lễ rước kiệu “Hùng Vương vi hành miền đất tứ linh”. Truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh được sân khấu hóa trên hồ Long Quy An Thủy.
Còn tại Đầm Sen, gần 10.000 người dân và du khách thập phương đã dự lễ dâng chiếc bánh chưng 2 tấn lên các Vua Hùng vào buổi chiều cùng ngày. Khắp nơi trong công viên tưng bừng diễn ra các hoạt động truyền thống như hội đua thuyền rồng, thuyền thúng, các trò chơi dân gian dành cho thiếu nhi, chương trình ca cổ “Về nguồn” và chương trình biểu diễn của 3.000 môn sinh Hội Võ thuật cổ truyền TPHCM. Đến 19 giờ, du khách cùng thưởng thức chiếc bánh chưng mang đậm phong vị thời Hùng Vương.
L.T. Bình – Q. Lâm
Cả nước hướng về cội nguồn

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng dâng hương tại Mộ Tổ Vua Hùng.
Ngày 15-4, hàng chục ngàn người dân TP Đà Lạt, các huyện, thị trong tỉnh Lâm Đồng và du khách đã nườm nượp kéo về đền thờ Âu Lạc (KDL thác Prenn) để tham gia lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Ngay từ sáng sớm, dòng người đã vượt hàng trăm bậc thang để lên Đền Thượng (độ cao 300m so với mặt thác); trong đó nhiều đoàn khách từ TPHCM, Vũng Tàu, Đồng Nai, Vĩnh Long… đã mang lễ vật từ quê nhà đến dâng Vua Hùng. Nghi thức lễ Giỗ Tổ được cử hành trọng thể bằng rước kiệu, lễ dâng hương tại Đền Thượng, lễ dâng bánh chưng, bánh dày tại đền Trung và lễ tưởng niệm mẹ Âu Cơ tại Đền Hạ. Ban tổ chức cho biết, có khoảng 20.000 người dân và du khách đã đến đây dâng hương tưởng niệm Vua Hùng (gấp 5 lần so với năm ngoái). Còn tại TP Đà Lạt, lễ Giỗ Tổ được tổ chức ở tất cả các phường, xã với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, trò chơi dân gian phong phú, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Hàng ngàn người dân TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) dự lễ Giỗ Quốc Tổ tại Đền Hùng (Nha Trang). tỉnh Phú Yên mở đêm hội hoa đăng hướng về cội nguồn và hoạt cảnh Vua Hùng dựng nước Văn Lang. Lễ Quốc Tổ Hùng Vương 2008 đã diễn ra trang trọng ở tỉnh Bình Dương với sự tham dự của hàng ngàn người dân. Tối 15-4 tại TP Vũng Tàu, diễn ra nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao đậm đà bản sắc dân tộc kỷ niệm ngày Giỗ Tổ.
Thi công Nhà máy lọc dầu Dung Quất: 10.000 công nhân làm việc trong ngày Giỗ Tổ Ban Quản lý dự án xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) cho biết: trong ngày Giỗ Quốc Tổ, để đảm bảo tiến độ thi công dự án, nhà thầu Technip (tổng thầu), các nhà thầu phụ, đơn vị thi công đã cam kết giữ nguyên quân số thi công trên tất cả gói thầu của dự án (khoảng 10.000 người). Đến tháng 4-2008, tổng tiến độ Nhà máy lọc dầu Dung Quất đạt hơn 90%, trong đó công tác thiết kế hoàn thành 100%, mua sắm thiết bị, vật tư đã đạt tổng tiến độ 98%, xây lắp đạt gần 70%... Phấn đấu đến tháng 2-2009 sẽ cho ra sản phẩm dầu đầu tiên theo nghị quyết của Quốc hội. H. Minh |
Tại Vĩnh Long nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đã được tổ chức ở Bảo tàng tỉnh - nơi được chọn lập bàn thờ Quốc Tổ Hùng Vương và tổ chức lễ dâng hương. Sáng 15-4, cán bộ lực lượng vũ trang Quân khu 9 đã tổ chức lễ dâng hương và tưởng nhớ các vua Hùng tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (TP Cần Thơ). Tại TP Cần Thơ, trong ngày 14-4, lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương đã tưng bừng khai diễn tại Đình Thuận Hưng (Thốt Nốt) và lần lượt diễn ra vào 14 giờ tại Đình Thới An (Ô Môn) và 19 giờ tại Đình Bình Thủy (Bình Thủy). Tối 15-4, tại Bảo tàng TP Cần Thơ, lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương đã long trọng diễn ra với sự tham gia của lãnh đạo Thành ủy, UBND, các sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể, các vị chức sắc đại diện các tôn giáo và nhân dân TP. Chương trình gồm hai phần: phần sân khấu hóa tái hiện công đức của các vua Hùng (gồm các tiết mục “Vang vọng ngàn năm”, “Quả dưa đỏ”, “Đền Hùng trên đất Tây Đô”) và phần nghi lễ dâng phẩm vật cúng Quốc Tổ, văn khấn nhắc nhớ công lao dựng nước của tổ tiên, niệm hương, dâng hương. Được biết, tham gia Lễ hội Đền Hùng tại Phú Thọ, gian trưng bày của TP Cần Thơ được tổ chức mang đặc trưng văn minh miệt vườn, với không gian kiến trúc theo kiểu đình làng Nam bộ, có một chiếc xuồng chất đầy cây trái được cắm bẹo hàng trước mũi. Các nghệ nhân - nghệ sĩ Cần Thơ sẽ trình diễn các bài bản đờn ca tài tử nổi tiếng, trình diễn cách làm các loại bánh truyền thống Nam bộ như bánh tét, bánh ú, bánh ít...
Trong quá trình khai hoang, mở cõi, những lưu dân người Việt đã đặt chân đến vùng đất Thới Bình, Cà Mau, lập nên Đền thờ Vua Hùng - ngôi đền thờ Vua Hùng duy nhất ở vùng đất tận cùng phương Nam của Tổ quốc. Dịp này, người dân đất Mũi đã đến thắp hương, cúng bái, hướng về Tổ tiên, nguồn cội, tưởng nhớ các bậc tiền hiền đã có công mở đất lập làng. Hơn 150 năm đã trôi qua, ngôi Đền được dựng lên nép mình khiêm tốn bên kênh xáng Bạch Ngưu, ven quốc lộ 63 vẫn ngày đêm được các cụ cao niên thay nhau nhang khói, thờ phụng.
N. Viên - M. Trường - Ch. Thủy