Vị trí bão số 1 cập nhật đến 17 giờ chiều 17-7 |
Dự báo khoảng sáng đến trưa 18-7, cơn bão sẽ đổ bộ vào đất liền miền Bắc. Hiện các mô hình trong và ngoài nước đưa ra nhiều kịch bản dự báo khác nhau về hướng di chuyển, vị trí đổ bộ, khu vực ảnh hưởng, cấp độ bão… nhưng nhìn chung đều cho rằng, bão kèm hoàn lưu bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến miền Bắc nước ta.
Bộ đội biên phòng thuộc Đồn Biên phòng đảo Bạch Long Vĩ hỗ trợ ngư dân đưa tàu cá lên bờ tránh bão số 1. Ảnh: BÍCH NGUYỄN |
Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, ngày 17-7, Hà Nội và nhiều nơi ở đồng bằng Bắc bộ, khu vực Đông Bắc bộ như Hải Phòng, Quảng Ninh vẫn tiếp tục có nắng nóng diện rộng, chưa có dấu hiệu của bão số 1. Nhiệt độ chiều 17-7 tại Hà Nội là 35oC.
Tuy nhiên, do cơ quan khí tượng dự báo bão số 1 có cường độ mạnh và phát triển nhanh, đạt cấp 11-12, giật cấp 15 trên Biển Đông, và sẽ đổ bộ vào khu vực Đông Bắc bộ (ảnh hưởng tới thời tiết cả miền Bắc), nên ngày 17-7, tàu thuyền đánh cá, tàu vận tải ở vịnh Bắc bộ đã nhanh chóng di chuyển về các bến, cảng tại Hải Phòng, Quảng Ninh hoặc trên các đảo Quan Lạn, Cô Tô, Cát Bà, Bạch Long Vĩ… để tránh trú bão.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, từ sáng 17-7, lãnh đạo nhiều địa phương đã phân công, tổ chức đoàn đi rà soát các địa điểm, khu vực dân cư có nguy cơ cao chịu tác động của gió bão, mưa lũ, sạt lở; trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó.
Tại thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh), sau khi nhận được công điện của UBND tỉnh, chính quyền sở tại đã tổ chức cuộc họp khẩn để ứng phó bão, yêu cầu hỗ trợ toàn bộ tàu thuyền ở trong khu vực nguy hiểm. Đến chiều 17-7, 85% trong số 2.628 tàu cá các loại của thị xã đã vào bờ, cập cảng; số còn lại đã nhận được thông báo, đang trên đường di chuyển về nơi an toàn trong đêm 17-7.
Tàu bè đã về khu neo đậu cảng Tân An, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) tránh bão số 1. Ảnh: Báo Quảng Ninh |
Theo ông Trần Đức Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên, trên địa bàn còn có hơn 1.000 ô đầm nuôi trồng thủy hải sản ngoài đê và lồng bè trên sông, 696 lao động tham gia. Ngày 17-7, lực lượng chức năng ở địa phương đã kêu gọi, hỗ trợ các hộ dân chằng chống chòi canh, gia cố bè mảng rồi di chuyển người về đất liền để tránh bão.
Với kịch bản bão đổ bộ và gây mưa lớn ở Đông Bắc bộ thì tuyến đê Hà Nam (dài hơn 33km) của tỉnh Quảng Ninh cần được bảo vệ nghiêm ngặt để ngăn ngừa nước lụt. Hạt Quản lý đê Quảng Yên cho biết đã chuẩn bị đầy đủ vật tư tại chỗ, dự trữ 2.610 rọ thép, 1.702kg dây thép buộc, 6.340 bao tải, 1.500m³ vải bạt chống sóng, 10 bè cứu sinh... và 9.727m³ đá hộc dự trữ để cứu hộ đê.
Chiều 17-7, các địa phương như Quảng Ninh, TP Hải Phòng tổ chức cấm biển (không cho tàu thuyền ra khơi). Tại Quảng Ninh, Công ty cổ phần Cầu phà Quảng Ninh cho biết, bến phà Rừng (kết nối thị xã Quảng Yên với huyện Thủy Nguyên của TP Hải Phòng) sẽ tạm dừng hoạt động từ 21 giờ ngày 17-7 để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua sông. Sau khi bão tan và đảm bảo các điều kiện an toàn, sẽ cho hoạt động trở lại.
Để giảm thiệt hại về người, tài sản và đảm bảo an toàn cho hoạt động bay, ngày 17-7, các cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) và Cát Bi (Hải Phòng) cũng đã triển khai hoạt động phòng chống cơn bão số 1 như: rà soát tổng thể trang thiết bị, chặt tỉa cây, thu dọn vật tư dễ bị thổi bay, chèn chắn các cửa nhà trạm, vệ sinh rác tại lưới chống xâm nhập để đảm bảo thoát nước…
Các sân bay này đã bố trí lực lượng trực 24/24 giờ để ứng phó bão, theo dõi tình hình thời tiết, đảm bảo an toàn cho các chuyến bay và kịp thời nối lại hoạt động bay khi thời tiết an toàn, bão qua.
Theo ghi nhận, tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, chiều 17-7, không có chuyến bay nào cất, hạ cánh; nhưng theo lịch trình ngày 18-7 sẽ có 2 chuyến bay đến và 2 chuyến bay đi TP Cần Thơ và TPHCM.
Trong trường hợp bão ảnh hưởng mạnh, sân bay sẽ phối hợp với hãng bay và cơ quan chức năng để có phương án điều chỉnh lịch bay khi thời tiết ổn định trở lại. Sân bay Vân Đồn đề nghị hành khách liên tục theo dõi thông tin thời tiết và thông báo của các hãng bay; đồng thời công bố số hotline 0867.213.666 để hỗ trợ khách khi gặp khó khăn.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vạn Gia (Quảng Ninh) hỗ trợ người dân gia cố lồng bè nuôi thủy sản tránh bão số 1. Ảnh: Báo Quảng Ninh |
Tại TP Hải Phòng, ngày 17-7, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ đã chủ trì cuộc họp ứng phó bão số 1; yêu cầu huyện đảo Cát Hải và quận Đồ Sơn thông báo tạm ngừng tiếp nhận khách du lịch đến nghỉ dưỡng, tạm ngừng hoạt động một số phà biển, cầu vượt biển.
Sở GTVT TP Hải Phòng đã yêu cầu đơn vị quản lý cầu đường Tân Vũ – Lạch Huyện sẵn sàng dừng hoạt động lưu thông trên cầu Đình Vũ – Cát Hải (kéo rào chắn) trước khi bão đổ bộ để đảm bảo an toàn cho người và xe qua cầu Đình Vũ – Cát Hải. Khi cấp gió giảm, sẽ mở rào chắn để xe cộ nhanh chóng qua, tránh ùn tắc. Tại đầu cầu Đình Vũ – Cát Hải, đơn vị quản lý cầu đã bố trí các nhà container để trú ẩn bão cho những lái xe lỡ độ đường, bất khả kháng…
Bộ đội biên phòng thuộc Đồn Biên phòng đảo Bạch Long Vĩ hỗ trợ ngư dân đưa tàu cá lên bờ tránh bão số 1 |
Đồn Biên phòng đảo Bạch Long Vĩ thông tin, có 137 phương tiện với 246 lao động làm nghề biển ở khu vực đảo. Lực lượng biên phòng cùng chính quyền địa phương, chủ tàu đã thông báo, vận động 3 phương tiện với 10 lao động vào neo đậu tại âu cảng Bạch Long Vĩ; 19 phương tiện với 110 lao động quay về đất liền tránh trú bão; cẩu kéo, đưa 115 phương tiện lên bờ chằng buộc an toàn.
Thượng tá Phạm Văn Tá, Chính trị viên Đồn Biên phòng đảo Bạch Long Vĩ, cho biết thêm, mặc dù buổi sáng, trên đảo có gió cấp 3, trời trong nhưng theo dự báo tối và đêm nay 17-7, huyện đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14. Biển động dữ dội.
Để ứng phó với những tình huống bất ngờ, Đồn Biên phòng đảo Bạch Long Vĩ đã tổ chức 1 tiểu đội cơ động gồm 9 đồng chí cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng cơ động, xử lý các tình huống xấu. Đơn vị cũng sẵn sàng 2 xuồng máy và có phương án trưng dụng tàu của ngư dân trong âu cảng tham gia thường trực phòng chống bão số 1.
Từ đêm 17-7 đến ngày 19-7, ở khu vực Đông Bắc, Việt Bắc của miền Bắc có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-300mm, cục bộ có nơi trên 400mm.
Khu vực Tây Bắc, vùng đồng bằng Bắc bộ có mưa to với tổng lượng mưa từ 100-200mm, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-120mm.
Đề phòng mưa với cường suất lớn gây ngập úng đô thị. Cảnh báo nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái.