Cấp thiết đầu tư hệ thống quan trắc không khí tự động

Tình trạng ô nhiễm không khí ở TPHCM vẫn rất phức tạp; sương mù dày đặc che khuất tầm nhìn, cứ cách 2-3 ngày lại xuất hiện.
Thiết bị quan trắc không khí trên đường Điện Biên Phủ
Thiết bị quan trắc không khí trên đường Điện Biên Phủ

Nồng độ bụi siêu mịn ở nhiều khu vực luôn vượt ngưỡng cho phép sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của mọi người. Tìm giải pháp để hạn chế tình trạng này luôn là bài toán khó đối với các cơ quan quản lý. 

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết để người dân được cập nhật thông tin về tình hình ô nhiễm không khí hiện nay, cơ quan này đã có công văn gửi UBND TPHCM kiến nghị về việc tăng tần suất quan trắc chất lượng không khí lên 3 lần/ngày, thay vì quan trắc không khí 10 ngày/tháng như trước đây. 3 mốc thời gian quan trắc được đề xuất là 7 giờ 30 - 8 giờ 30 (lúc đi làm); 15 giờ - 16 giờ (thời điểm giao thông bình quân trong ngày); 20 giờ - 21 giờ (lúc bắt đầu cho xe tải vào trung tâm thành phố và người dân tham gia các hoạt động vui chơi ban đêm).

Hệ thống quan trắc sẽ tăng cường quan trắc thông số bụi PM2.5, PM10 (trung bình 24 giờ) tại tất cả các vị trí quan trắc, nhằm đánh giá chi tiết về hàm lượng các bụi mịn trong không khí của thành phố. Đồng thời cung cấp thông tin đến người dân trên web và trên điện thoại thông minh với tần suất cung cấp hàng ngày. Các thông số được công bố gồm nồng độ chất ô nhiễm (NO2, SO2, CO, bụi lơ lửng); mức ồn (nồng độ ô nhiễm tại mốc 7 giờ 30 - 8 giờ 30, thời điểm mật độ giao thông cao nhất trong ngày); bụi PM10, PM2.5 (trung bình 24 giờ liên tục) và quy chuẩn so sánh QCVN 05: 2013 BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về không khí xung quanh. Thời gian triển khai kế hoạch này từ năm 2020-2022.

Theo lý giải của ông Thắng, hiện tại hệ thống quan trắc không khí của thành phố đang triển khai quan trắc định kỳ bằng phương pháp thủ công gián đoạn tại 30 vị trí (19 vị trí quan trắc ảnh hưởng do hoạt động giao thông, 3 vị trí quan trắc môi trường nền, 4 vị trí quan trắc do ảnh hưởng của khu dân cư, 4 vị trí quan trắc do ảnh hưởng của hoạt động công nghiệp), với tần suất 10 ngày/tháng vào 2 thời điểm 7 giờ 30 - 8 giờ 30 và 15 giờ - 16 giờ. Với tần suất quan trắc như vậy, chưa thể thông tin về chất lượng môi trường không khí hàng ngày để đáp ứng nhu cầu thông tin cũng như cảnh báo cho người dân và chính quyền thành phố.

Vì vậy, cấp thiết phải thiết lập trạm quan trắc không khí tự động. Tuy nhiên, việc đầu tư các trạm quan trắc không khí tự động phải theo Luật Đầu tư công, nên dự kiến năm 2022 hệ thống quan trắc tự động mà thành phố đang đầu tư mới được đưa vào vận hành chính thức. Nhằm đáp ứng nhu cầu được cung cấp thông tin chất lượng không khí hàng ngày một cách chính xác, đúng quy định, trong thời gian chờ đầu tư lắp đặt mạng lưới quan trắc không khí tự động liên tục, Sở TN-MT đã kiến nghị thành phố xem xét, chấp thuận tăng tần suất quan trắc chất lượng không khí lên 3 lần/ngày. 

Một đô thị thông minh không thể thực hiện việc quan trắc bằng phương pháp thủ công lạc hậu như hiện nay. Trạm quan trắc tự động sẽ cập nhật liên tục dữ liệu về hiện trạng môi trường nói chung và chất lượng không khí nói riêng, giúp người dân chủ động hơn trong việc phòng chống ô nhiễm. Cơ quan quản lý cũng sẽ có một báo cáo tổng thể để định hướng những giải pháp hạn chế, khắc phục.

Tin cùng chuyên mục