Cắt giảm khí thải toàn cầu: Cuộc chơi phụ thuộc các nước giàu

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 21 Công ước khung của Liên hiệp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP 21) đã đi được gần nửa chặng đường. Tuy nhiên, hiện chỉ có chưa đầy 10 trang được hoàn tất trong tổng số 54 trang dự kiến của một thỏa thuận toàn cầu về cắt giảm khí thải.
Cắt giảm khí thải toàn cầu: Cuộc chơi phụ thuộc các nước giàu

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 21 Công ước khung của Liên hiệp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP 21) đã đi được gần nửa chặng đường. Tuy nhiên, hiện chỉ có chưa đầy 10 trang được hoàn tất trong tổng số 54 trang dự kiến của một thỏa thuận toàn cầu về cắt giảm khí thải.

Nguồn tài chính cho các nước đang phát triển

Một trong những vấn đề cốt lõi của COP 21 là vấn đề tài trợ cho các nước đang phát triển nguồn tài chính để cải tiến công nghệ phục vụ cho việc cắt giảm lượng khí thải và thích ứng với các hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra. Nhiều nước đang phát triển cho rằng, họ sẽ không thể cắt giảm khí thải nếu không có tiền đầu tư vào việc phát triển năng lượng tái tạo. Một thỏa thuận cuối cùng của COP 21 dự kiến bắt đầu có hiệu lực từ năm 2020, theo đó sẽ giảm khí phát thải từ nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và khí đốt và chuyển hàng trăm tỷ USD cho các nước dễ bị tổn thương.

Biểu tình bên ngoài trung tâm Hội nghị COP 21 ở Paris, Pháp, yêu cầu các nước giàucó trách nhiệm hơn với khí hậu toàn cầu

Nhà đàm phán Nam Phi Nozipho Mxakato-Diseko, thay mặt cho nhóm gồm 134 nước đang phát triển và các nước mới nổi, nói: “Phải hiểu rõ ràng rằng tài chính là rất quan trọng”. Bộ trưởng Môi trường Gambia, ông Pa Ousman, yêu cầu phải có nguồn tiền cho các nước nghèo để chi trả cho những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra. “Nếu mất mát và thiệt hại không được giải quyết thỏa đáng, sẽ không có thỏa thuận tại Paris”, ông Pa Ousman khẳng định với hãng tin AP.

Ấn Độ mạnh mẽ đưa ra quan điểm rõ ràng rằng nước này muốn có một “ràng buộc về mặt pháp lý” trong thỏa thuận cho phép hỗ trợ tài chính từ các nước phát triển với các nước đang phát triển. Mặc dù vậy, Ấn Độ cũng cam kết sẽ không né tránh hỗ trợ tài chính cho các nước khác trong vấn đề này như cách Trung Quốc đã hứa trong quá trình hợp tác Nam - Nam.

Các nước phát triển hiện đã huy động được hơn 10 tỷ USD cho Quỹ khí hậu xanh (GCF). Đây là quỹ quốc tế ra đời cách đây 5 năm, được các nước giàu dự kiến ​​hàng năm đóng góp khoảng 100 tỷ USD từ năm 2020 trở đi để giúp đỡ nước nghèo và các nước đang phát triển chống lại những thách thức của biến đổi khí hậu.

Liên hiệp quốc sốt ruột

Theo Reuters, hiện còn khoảng 250 vấn đề đang chờ đạt được đồng thuận tại COP 21. Trong khi đó, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cho biết, ông sẽ tiếp tục thúc đẩy các nước phát triển nhận ra trách nhiệm của mình trong việc thu hẹp bất đồng bằng cách đóng góp nhiều hơn nữa vào việc cắt giảm khí thải và gia tăng tài trợ. Ông cũng kêu gọi các nước đang phát triển đóng góp vào việc cắt giảm khí thải phù hợp hơn với khả năng. Theo ông Ban Ki-moon, các vấn đề chính vẫn chưa được giải quyết và không còn nhiều thời gian.

Người đứng đầu Chương trình phát triển LHQ Helen Clark kêu gọi các nước đang phát triển tận dụng lợi thế của công nghệ mới cho phép phát triển nền kinh tế trong khi vẫn hạn chế lượng khí thải carbon. Truyền hình ABC của Australia dẫn lời bà Clark nói: “Chúng ta hãy cùng làm việc để đưa các nước đang phát triển vào vị trí tốt nhất để họ có thể sử dụng các nguồn tài chính cho môi trường xanh”. Bà Clark kêu gọi các nền kinh tế tiên tiến tăng tài trợ cho những nước nghèo chứ không phải là các khoản cho vay, để giúp họ đối phó với biến đổi khí hậu. “Chúng tôi cảm thấy rằng, cơ bản là các nền kinh tế phát triển phải có trách nhiệm với những nước đã bị tổn thương do chính nền công nghiệp phát triển của họ gây ra”, bà Clark nói.

Nhiều chuyên gia nhận định, LHQ đang rất nóng lòng có một thỏa thuận cụ thể về cắt giảm khí thải vì điều này sẽ thúc đẩy các nước sớm hoàn thành các Mục tiêu phát triển bền vững mà Đại hội đồng LHQ đã thông qua vào tháng 9 vừa qua.


THỤY VŨ (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục