Cách đây 45 năm, ngày 2-11-1965, ông Morrison đã tự thiêu bên bờ sông Potomac tại thủ đô nước Mỹ, chỉ cách Bộ Quốc phòng và nơi làm việc của Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó Robert McNamara vài chục bước. Sự kiện này đã làm chấn động nước Mỹ và thế giới.
Ngày 8-11, báo Nhân dân đã đăng bài thơ mang tựa đề Emily, con ơi! của nhà thơ Tố Hữu về cái chết của Morrison. Bài thơ đã làm xúc động bao con tim người Việt Nam đang chiến đấu giành độc lập, nhất là trong thanh niên. Bác Hồ lúc đó đã gửi thư chia buồn với bà Morrison và mời gia đình bà sang thăm Việt Nam. 34 năm sau, chuyến thăm mới được thực hiện.
Trong chuyến thăm vào tháng 4-1999, các thành viên gia đình gồm bà Ann Welsh Morrison, hai con gái và con rể có nguyện vọng gặp nhà thơ Tố Hữu, người đã viết bài thơ Emily, con ơi!. Emily lúc theo cha “ra bờ sông Potomac” mới có một tuổi. Năm 15 tuổi cô mới được đọc bài thơ viết về mình.
Trong cuộc gặp nhà thơ Tố Hữu, các thành viên gia đình đã đọc thơ tặng ông, trong đó cảm động nhất là bài thơ của Emily “Gửi ông Tố Hữu”. Không khí cuộc gặp đã trở thành “một không khí thơ” rất cảm động.
Trong cuốn hồi ký mang tên “Giữ trong nguồn sáng” của bà Ann Welsh Morrison, xuất bản năm 2008 tại Mỹ viết về ông Morrison và chuyến thăm “để đời” của gia đình đến Việt Nam, bà đã ghi lại những cảm xúc về cuộc gặp với nhà thơ Tố Hữu. Xin giới thiệu nội dung những trang hồi ký cùng bạn đọc...
“Sau khi đi thăm một số địa phương, chúng tôi trở lại Hà Nội. Một ngày dài chờ đợi trước cuộc gặp nhà thơ Tố Hữu, người đã sáng tác bài thơ Emily, con ơi!. Cuộc gặp diễn ra tại trụ sở Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Xuống ô tô, bước lên thềm nhà, đi trên tấm thảm đỏ trải dài trong hành lang đến phòng tiếp khách, chúng tôi cảm nhận đây sẽ là một cuộc đón tiếp chính thức trịnh trọng.
Nhà thơ, người thấp và chắc nịch, tóc đã muối tiêu đón chúng tôi với một phong thái tự tin của một người có một vị trí nhất định trong xã hội. Ông luôn luôn cười và khi cười, mắt ông gần như nhắm lại. Ông nói: “Sự hy sinh của Norman Morrison không phải không có ý nghĩa. Chúng tôi kính trọng Morrison như kính trọng những anh hùng liệt sĩ của chúng tôi”.
Tố Hữu nói với chúng tôi: “Chúng ta hãy coi nhau như anh chị em một nhà. Thật là hiếm có. Trong một thế giới còn đầy những tội ác, hai dân tộc chúng ta là anh chị em”. Ông nói thêm một cách nồng nhiệt: “Các bạn đã về nhà. Biển Thái Bình Dương không thể chia cắt chúng ta. Với các bạn và với chúng tôi, Thái Bình Dương là Đại dương Hòa Bình và bây giờ là Đại dương Hữu Nghị”.
Tôi cảm ơn Tố Hữu vì đã viết bài thơ Emily, con ơi!. Ông trả lời: Tôi không nghĩ tôi đã viết bài thơ. Tôi nghĩ đó là trái tim tôi và trái tim của nhân dân Mỹ viết nên bài thơ. Tôi sắp 80 tuổi nhưng tôi không bao giờ mất lòng tin vào nhân dân Mỹ… Tôi hy vọng các bạn sẽ giữ ngọn đuốc và ngọn lửa của hòa bình và công lý trong trái tim các bạn.
Nhà thơ tiếp tục: Có lần Bác Hồ đã nói, Chúa Giê-Su, Phật Thích Ca, Khổng Tử và Lão Tử nếu ngồi với nhau sẽ là những người bạn vì tính nhân văn của họ. Ông kể với chúng tôi rằng, trong thời gian chiến tranh, nhân dân Việt Nam không những chiến đấu cho 30 triệu nhân dân mình mà còn cho 3 tỷ nhân dân thế giới. “Chúng tôi còn nghèo nhưng giàu lòng yêu nước và tình yêu nhân loại và hòa bình”.
Ông chúc gia đình tôi mạnh khỏe, hạnh phúc và hy vọng chúng tôi sẽ đến thăm Việt Nam nhiều lần nữa. Ông nói: “Chúng tôi đã có đủ gạo và chuối để mời các bạn”.
Sau đó Tố Hữu bày tỏ: “Hôm nay là một ngày hạnh phúc vì chúng ta không chỉ nghĩ về sự chết chóc mà về cuộc sống và tương lai. Tôi được biết Emily sắp được làm mẹ (lúc đó Emily đang mang bầu đứa con đầu lòng). Xin chúc mừng. Tôi hy vọng đó sẽ là một cháu bé đẹp và thông minh. Dẫu đó là bé trai hay gái, thì đều mang dòng máu Morrison trong trái tim mình. Đó sẽ là một niềm hạnh phúc vô bờ”.
Nói chuyện, uống cà phê và nước chè, cuộc gặp đã trở thành một buổi đọc thơ. Christina (con gái lớn của ông bà Morrison) đọc bài thơ Chùa Hòa bình và Clark (chồng của Emily) đọc đoạn thơ mới viết từ những cảm xúc về chuyến thăm:
Tiếng chim hót gọi bình minh,
Hà Nội thức với ngập tràn nhịp đập
Tôi bừng tỉnh trái tim còn thổn thức
Nghe xôn xao ngày mới đang về
Gió lạnh, rồi mặt trời nóng bức
Chẳng bao lâu nữa mưa rơi
Thời gian,
Thời gian không ngừng trôi
Mà ký ức chiến tranh đọng lại
Những trận chiến oai hùng
Bản hùng ca bất diệt
Ký ức sẽ nhạt phai
Tinh thần và tình yêu còn mãi
Cảm ơn, cảm ơn, Việt Nam!
Các bài thơ được dịch ngay tại chỗ đã tạo nên một không khí thơ trong phòng. Tố Hữu đã cười và nói rằng, “các bạn đều là Walt Whitman trẻ” (một nhà thơ tiến bộ Mỹ).
Trong không khí đó, tôi đặc biệt xúc động khi Emily đọc bài thơ gửi ông Tố Hữu. Từng lời thơ lắng vào trái tim tôi, làm trào lên những xúc cảm và ký ức.
Lúc đầu, khi nhận được bài thơ Emily, con ơi!, chỉ vài tuần sau khi Norman chết, tôi không thể đọc nó vì quá xúc động và rất nghẹn ngào mỗi khi đọc nó. Nhiều năm qua tôi đã đọc bài thơ nhiều lần và cứ mỗi lần đọc một cái gì đó lại trào dâng trong cổ.
Trong những năm Emily còn nhỏ, tôi không muốn chia sẻ với gia đình những câu chuyện về Norman và bài thơ. Tôi định chờ đến khi Emily lớn, đủ sức chịu đựng được nỗi đau mất cha tôi mới cho cháu biết. Do đó tôi đã rất buồn và lúng túng khi Emily 15 tuổi, đang học tại trường trung học Geoge nói với tôi rằng, Staughson Lynd, một người bạn của gia đình đã cho nó biết bài thơ và đã gửi bài thơ cho cháu. Nghe Emily nói, tôi thấy mình được giải tỏa và vui.
Emily đọc thơ tặng ông Tố Hữu như một đứa cháu đọc thơ tặng người bác cao tuổi. Bài thơ như đã nối được những nỗi đau trong trái tim tôi với trái tim Emily. Những lời thơ đã vượt qua cả lòng biết ơn.
Gửi ông Tố Hữu
Ở Việt Nam,
Trong tro tàn và máu
Sau mấy ngày cha tôi đi xa
Có một bài thơ ông đã viết
Đối với nhiều người,
Bằng lời,
Từ nơi xa,
Ông đã tạo nên biểu tượng
của hy vọng và tương lai
Emily!,
Ông đã giúp họ hiểu cha tôi
Và yêu tôi.
Lúc nhỏ, một thời gian dài
tôi không biết
Có một bài thơ ông đã viết.
Ở Mỹ tôi như đứa trẻ
lạ thường
Với một quá khứ không
ai biết,
Ở Mỹ, nhiều người không
hề thích
Kể về tuổi thơ mình
Nhất là về người cha đã chết.
Đến tuổi 15 tôi mới biết
Có một bài thơ ông đã viết.
Nhận thơ, tôi muốn đọc ngay
Nhưng kìm lại đến một nơi
yên tĩnh
Ngồi trên thảm cỏ non xanh,
Dưới bóng cây thông, giữa
không gian yên bình
Tôi mới đọc bài thơ, từng dòng
từng chữ,
Và òa khóc không thể nào
kìm giữ,
Nước mắt cứ trào ra từ nơi
trái tim mình
Bởi tôi hiểu
Mình không phải lạ thường
kỳ quặc
Mà là con gái một con Người
Được yêu thương, được gửi lại
cho đời.
Được trân trọng và được cùng
chia sẻ.
Cảm ơn ông đã cho tôi
khoảnh khắc
Như chiếc lông chim lượn
dưới vòm cây
Được thả mình trong êm dịu
trời mây
Được trút bỏ những muộn
phiền quá khứ
Cảm ơn ông đã viết một
bài thơ
Về tình yêu mà cha tôi để lại
Từ đất nước ông xa xôi ngọt
lành hoa trái
Ông đem tình yêu gửi vào trái
tim tôi.
Nghe Emily đọc thơ tặng xong, nhà thơ Tố Hữu rất xúc động. Ông lấy một trang giấy gấp tư trong túi ngực, trong đó ghi một bài thơ viết tay và đọc tặng gia đình Morrison.
“Xin tạm biệt đời yêu quý nhất
Còn mấy vần thơ một nắm tro
Thơ gửi bạn đường, tro
gửi đất,
Sống là cho và chết cũng
là cho” (*)
Với giọng Huế trầm ấm, ông đọc bài thơ làm các bạn Mỹ và tất cả những người Việt Nam được dự buổi tiếp rất xúc động. Tôi không ngờ đó lại là bài thơ cuối cùng của nhà thơ Tố Hữu và cuộc tiếp khách đó có lẽ cũng là một trong những cuộc gặp cuối cùng của nhà thơ với những người bạn nước ngoài, những người bạn Mỹ.
NGUYỄN VĂN HUỲNH
(Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam)
(*) Bài thơ cuối cùng của nhà thơ Tố Hữu, Tuần báo Văn nghệ số 50 ngày 14-12-2002, năm nhà thơ qua đời.