
TPHCM hiện có 12 khu chế xuất – khu công nghiệp (KCX – KCN) nằm rải rác trên khắp các quận, huyện, thu hút khoảng 160.000 công nhân làm việc. Trong đó, chỉ tính riêng công nhân đến từ các các tỉnh, thành trong cả nước đã chiếm tới 75%. Ngoài thời gian làm việc, đời sống văn hóa tinh thần ở đây còn rất nghèo nàn, hầu như không có hoạt động vui chơi giải trí nào dành cho công nhân. Nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thư giãn để tái tạo sức lao động của công nhân chưa được các đơn vị chú trọng…
Cùng công nhân đi tìm nơi... giải trí!
Cách đây hơn một năm, Báo SGGP đã có những bài viết phản ánh thực trạng đời sống văn hóa của công nhân các KCX – KCN, trong đó có nêu khá nhiều ý kiến của chính anh em công nhân về nhu cầu bức thiết phải có một điểm sinh hoạt văn hóa vui chơi giải trí. Thế nhưng, đến nay, những giấc mơ của công nhân vẫn chỉ là giấc mơ mà thôi.

Một phòng ở của công nhân tại khu lưu trú công nhân ở Thủ Đức.
Trở lại các KCX – KCN Tân Bình, Vĩnh Lộc, Lê Minh Xuân, Tân Tạo… vào những ngày trung tuần tháng 6, sau giờ tan ca, vẫn là hình ảnh công nhân túa ra các hàng quán – nhiều hơn so với năm trước - ăn uống, nhậu nhẹt, cà phê tán gẫu…
Anh Thành (KCN Tân Bình) tâm sự, làm việc suốt tuần, anh em ai cũng mong có một sân chơi lành mạnh để nâng cao sức khỏe, giảm stress nhưng lấy đâu ra. Nên tan ca, anh ra hàng quán ngồi cho đỡ buồn! Thành còn cho biết thêm, đi uống cà phê tán gẫu hoài cũng chán, nhiều hôm trời mưa buồn buồn, bạn bè rủ rê lại kéo nhau đi “nhâm nhi”, tăng sau là vô karaoke vui vẻ với “em út”… “mất đứt gần nửa tháng lương chứ ít gì…”.
Với nữ công nhân, sự cô đơn, nhớ nhà càng tăng hơn sau những buổi làm việc mệt mỏi. Tạt ngang chợ mua thức ăn, nấu nướng, ăn cơm, tán gẫu đôi ba câu với bạn cùng phòng rồi ngủ...thế là hết một ngày.
Hiện chỉ KCX Tân Thuận là có trung tâm hoạt động cho công nhân viên với phòng đọc sách báo, hồ bơi, sân bóng chuyền, sân tennis… khang trang, thoáng mát với số tiền đầu tư trên 1,2 triệu USD.
Tuy nhiên, dường như tất cả những hoạt động này còn quá xa lạ với công nhân vì để được vào sinh hoạt trong trung tâm, họ phải trả một chi phí không nhỏ: chơi bóng chuyền: 30.000 đồng/giờ, hồ bơi: 4.500 đồng/vé… Chỉ có duy nhất vào phòng đọc sách báo là được miễn phí. Nhưng chủng loại sách báo cũng chưa nhiều, ngoài báo SGGP, Tuổi trẻ, Thanh niên… trong khi sách văn học, truyện gần như chưa có gì…
Để công nhân sống vui hơn...
Anh Hồ Xuân Lâm – Bí thư Đoàn các KCX-KCN TPHCM cho biết: “Trong năm nay, chúng tôi đã tổ chức đợt chiếu phim lưu động phục vụ công nhân khu vực này, đáp ứng trên 40.000 lượt công nhân. Chúng tôi cũng biết rằng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công nhân cao, nhưng lâu lâu mới tổ chức một lần, chưa thấm vào đâu. Chính các đơn vị, công ty cần quan tâm hơn nữa đến đời sống văn hóa của công nhân. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì việc chiếu phim phục vụ công nhân, nhưng để làm được điều này rất cần sự hỗ trợ, hợp tác của các đơn vị…”.

Sau giờ làm, công nhân về nhà trọ giải trí bằng cách đọc báo là chính (ảnh chụp chiều ngày 25-6-2005 tại khu nhà trọ ở phường Tân Thuận Đông quận 7).
Còn anh Nguyễn Văn Thâm – Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Củ Chi nói: “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã phối hợp với một số công ty, đơn vị để đưa văn hóa văn nghệ vào phục vụ, góp phần cải thiện đời sống văn hóa của công nhân ở các KCN. Tuy nhiên, điều kiện còn hạn chế, mỗi khu vực chúng tôi chỉ mới thực hiện được… một lần. Từ nay, đến cuối năm, chúng tôi sẽ cố gắng tăng cường thêm một, hai suất diễn nữa. Điều đáng mừng là năm nay, lần đầu tiên chúng tôi phối hợp cùng Liên đoàn Lao động huyện tổ chức thành công Liên hoan “Tiếng hát thanh niên công nhân” và dự kiến tổ chức hàng năm để tạo sân chơi lành mạnh cho công nhân. Hiện chúng tôi cũng có kế hoạch phối hợp cùng một số công ty để luân chuyển sách phục vụ công nhân”.
Khi chúng tôi đặt vấn đề phục vụ văn hóa, vui chơi giải trí cho công nhân tại KCX Tân Thuận, anh Nguyễn Văn Đính – Giám đốc Trung tâm hoạt động cho công nhân viên, KCX Tân Thuận khẳng định: “Trung tâm của chúng tôi mới đưa vào hoạt động nên tất cả chỉ mới bắt đầu. Khi công nhân vào vui chơi tại trung tâm, chúng tôi đều có ưu đãi chẳng hạn như giảm giá 20% - 30% tiền vé, tiền thuê sân bóng chuyền… cho công nhân. Chúng tôi sẽ nghiên cứu để anh em có thể mượn sách về nhà đọc miễn phí, thông qua sự giới thiệu của các công đoàn cơ quan”.
Anh Trần Như Hùng – Trợ lý Dịch vụ Ban điều hành KCX Linh Trung 1 – 2 cho biết : Trước thực trạng đời sống văn hóa của công nhân quá thiếu thốn, ban điều hành KCX đang thương thảo với các ngành chức năng xin khu đất 5.000m2 gần đây để làm nơi vui chơi giải trí dành cho công nhân.
Trước thực trạng đời sống văn hóa công nhân đang thiếu thốn, anh Nguyễn Tùng – Phó Chủ tịch Công đoàn các KCX – KCN TPHCM nêu kiến nghị: Giá như ở các KCX – KCN đều có những trung tâm hoạt động văn hóa dành cho công nhân sẽ rất hay. Khi có được những trung tâm này thì đời sống văn hóa của công nhân sẽ được nâng lên.
Từ năm 2002, công đoàn có tổ chức hội diễn văn nghệ dành cho thanh niên công nhân các KCX – KCN, thu hút rất đông anh em tham gia. Tiếc là chưa thể thực hiện được thường xuyên, do nhiều nguyên nhân như điều kiện kinh phí, nhân lực… Mãi đến năm 2005 này, công đoàn mới tiếp tục tổ chức hội diễn văn nghệ dành cho công nhân tập trung ở 6 khu: Bình Chiểu, Vĩnh Lộc, Tân Bình, Tân Tạo, Linh Trung 1 và 2. Sau 8 đêm diễn ở 6 KCN những tiết mục hay sẽ tham gia vòng chung kết vào tháng 7 tại Cung Văn hóa Lao động TPHCM.
Thiết nghĩ, để đời sống văn hóa công nhân các KCX – KCN dần được cải thiện, rất cần sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp và các đơn vị, tổ chức nhiều chương trình văn hóa, sân chơi giải trí phục vụ công nhân. Bên cạnh đó, mảng văn hóa đọc dành cho công nhân rất cần được các đơn vị quan tâm, đầu tư đúng mức. Có vậy, đời sống văn hóa của công nhân mới được nâng lên, nếu không thì cuộc sống của công nhân rất dễ bị nhàm chán và khó tránh khỏi cảnh “mọi ngày như một ngày, ngày cuối tuần cũng như đầu tuần”!
ĐỖ HẠNH