Nhiều năm qua, thông qua mục Hoàn cảnh cần giúp trên trang Nhịp cầu nhân ái, Báo SGGP đã giúp nhiều mảnh đời bất hạnh vượt qua khó khăn, hàng trăm bệnh nhân nghèo được chữa lành bệnh, những đứa trẻ mồ côi cha mẹ được no ấm và được cắp sách đến trường… Để làm được điều này, Báo SGGP đã có những người bạn đồng hành chung thủy, những bạn đọc gắn bó với các hoạt động từ thiện và luôn có mặt mỗi khi báo thông tin thêm một hoàn cảnh cần giúp…
Người khó ít giúp người khó nhiều
Đối với những gia đình khá giả, việc bỏ ra một số tiền lớn để làm từ thiện, giúp một hoàn cảnh khó khăn là việc bình thường, nhưng với những người cuộc sống chỉ tạm đủ ăn, thậm chí còn thiếu thốn, nhưng vẫn dành chút tiền ít ỏi của mình để giúp những mảnh đời bất hạnh thì thật đáng trân trọng.
Một trong những bạn đọc gắn bó với công tác từ thiện của Báo SGGP gây ấn tượng nhất với chúng tôi là chị Thủy (ở quận 11, TPHCM). Lần đầu chị đến Báo SGGP, nhìn dáng vẻ khắc khổ của chị, chúng tôi nghĩ chị đang cần sự trợ giúp. Chỉ đến khi chị đưa cho chúng tôi mảnh giấy ghi danh sách những hoàn cảnh cần giúp đăng trên báo SGGP, chúng tôi mới biết mình đã nhầm. Chờ chúng tôi ghi phiếu thu xong, chị mới vui vẻ trò chuyện. Chị cho biết, nhà mình ở tận An Giang. Chị lên TPHCM làm thuê giúp việc một gia đình ở quận 11 để hàng tháng kiếm ít tiền gửi về quê nuôi 3 đứa con ăn học. Ở nhà bà chủ thường đọc báo SGGP nên những lúc rảnh, chị lấy báo ra xem mới biết vẫn còn nhiều hoàn cảnh còn khổ hơn mình. Từ đó chị dành dụm những đồng tiền ít ỏi, rồi xin phép bà chủ đến Báo SGGP gửi tiền giúp họ, với mong muốn chút lòng thành sẽ làm ấm lòng những mảnh đời bất hạnh và góp phần giúp họ vượt qua bệnh tật hiểm nghèo.
Cô Phan Thị Kim Dung, một bạn đọc thân thiết đóng góp tiền đồng hành cùng Báo SGGP làm từ thiện giúp những hoàn cảnh khó khăn (Ảnh: VIỆT NGA)
Một bạn đọc nọ (nhất định không cho biết tên) nhìn bề ngoài không khá giả gì nhưng thường xuyên đến báo đóng góp từ thiện. Anh tâm sự: “Đọc báo thấy nhiều hoàn cảnh đáng thương quá, tôi phải tranh thủ đến góp tiền để báo chuyển sớm cho họ. Chỉ sợ đến trễ thì sự giúp đỡ của mình không còn ý nghĩa nữa…”. Hỏi thăm hoàn cảnh của anh mới biết anh bị tai nạn giao thông té gãy chân trong lúc đi làm công tác thiện nguyện nên giờ không thể tự chạy xe đi xa được. Đến báo đóng góp từ thiện, khi thì anh đi bằng xe buýt, khi thì nhờ người thân chở tới. Thấy anh đi lại khó khăn nên anh em có nhiệm vụ tiếp nhận từ thiện những lúc tiện đường thường lên tận nhà nhận tiền để anh đỡ vất vả. Anh kể gia đình mình ngày trước khổ lắm. Sống bằng nghề trồng rau, cũng cực khổ làm lụng nhưng vẫn thiếu trước hụt sau, nên mình rất thương và đồng cảm với những bệnh nhân nghèo, ở những tỉnh xa xôi, miền núi không có điều kiện chữa bệnh. Mặc dù với số tiền đóng góp ít ỏi, mỗi trường hợp giúp khoảng hai ba trăm ngàn đồng nhưng đây cũng là đồng tiền chắt chiu, dành dụm của gia đình anh nhằm chia sẻ với những mảnh đời còn khó khăn hơn mình. Anh nói, anh luôn cầu mong cho họ có động lực vươn để lên chiến thắng bệnh tật và ổn định cuộc sống.
Nối dài thêm danh sách những người bạn đồng hành
Cũng đồng cảm với những phận đời không may mắn, một bạn đọc ở Gò Vấp thường đóng góp cho các địa chỉ cần giúp với cái tên Phi Hùng cho biết, từ khi nhà anh có một suất biếu báo SGGP do bà chị làm tổ trưởng tổ dân phố mang về, đều đặn hàng ngày anh đọc báo và không bỏ sót mục nào. Anh đặc biệt quan tâm đến mục Hoàn cảnh cần giúp đăng trên trang Nhịp cầu nhân ái vào ngày thứ hai và thứ năm hàng tuần. Qua mục này, anh thấy có nhiều hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật ngặt nghèo không tiền chữa trị đang rất cần sự chung tay, giúp sức từ cộng đồng nên anh cẩn thận ghi lại những danh sách để góp tiền giúp đỡ. Có những hoàn cảnh đọc xong anh quá xúc động, chỉ muốn chạy ngay đến báo để đóng góp, vì sợ góp trễ sẽ không kịp giúp họ đang trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn hoặc nguy cấp vì bệnh tật hiểm nghèo. Có lần, anh đến Báo SGGP với dáng vẻ mệt mỏi, ngồi nghỉ mệt một lúc, anh cho biết mình vừa mới đi 3 chặng xe buýt từ Gò Vấp mới tới được đây.
Anh cho biết, lâu nay đọc nhiều báo nhưng anh chỉ đến với Báo SGGP vì báo phát hiện và đăng bài kêu gọi giúp cho những hoàn cảnh từ khắp mọi miền đất nước với địa chỉ cụ thể, rõ ràng. Nhiều bài còn kèm theo số điện thoại liên hệ trực tiếp với bệnh nhân, rất dễ khi có những bạn đọc muốn đến thăm hoặc trực tiếp đến giúp. Anh cũng mong Báo SGGP tìm hiểu, phát hiện và giới thiệu thêm nhiều mảnh đời khó khăn để những bạn đọc có lòng hảo tâm giúp đúng đối tượng, đúng địa chỉ.
Và còn rất nhiều bạn đọc lâu năm, với những tên gọi thân quen luôn gắn bó với Báo SGGP trong hoạt động từ thiện giúp người như: “anh Dân”, “anh Trí Đức”, “chú Hân”, “cô Mai”, “cô Dung”…, những người đồng hành bình dị, chỉ chịu cho ghi một danh xưng đơn giản trong phiếu thu, với lòng tin những đồng tiền mình đóng góp đến được đúng địa chỉ cần giúp là họ vui rồi. Mỗi khi Báo SGGP đăng hoàn cảnh mới thì những cái tên ấy lại xuất hiện đều đặn trên Bảng Vàng từ thiện Báo SGGP, nối dài thêm danh sách những người bạn đồng hành của báo trong công tác từ thiện ý nghĩa này.
ĐẶNG NHUNG