
Kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh liệt sĩ 27-7, cầu truyền hình “Linh thiêng Việt Nam” được tổ chức hoành tráng tại ba địa điểm: Khu di tích nghĩa trang Điện Biên (TP Điện Biên), Khu di tích Bến Dược - Củ Chi và phim trường Trung tâm Đài Truyền hình TPHCM.
Chương trình ôn lại trang sử hào hùng của dân tộc, ghi nhớ công ơn của các anh hùng, liệt sĩ, đã cống hiến và hy sinh vì Tổ quốc. Đây cũng là dịp tôn vinh những tấm gương của các thương binh anh dũng trong thời chiến và tiếp tục cống hiến cho đất nước trong thời bình.

Đền Bến Dược (Củ Chi), một điểm đầu cầu truyền hình “Linh thiêng Việt Nam.
Cầu truyền hình “Linh thiêng Việt Nam” do Đài Truyền hình TPHCM phối hợp với Công ty Cát Tiên Sa tổ chức, diễn ra từ 20 giờ đến 22 giờ 30 ngày 25-7-2007 trên kênh HTV9.
Nội dung gồm 3 chương: Chương 1 “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, tôn vinh các thế hệ ông cha đã kiên cường chống giặc ngoại xâm để mang lại hòa bình, độc lập cho dân tộc Việt Nam; Chương 2 “Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn”, giới thiệu những chính sách của Đảng và Nhà nước về thương binh, liệt sĩ, sự tin yêu của nhân dân và nghĩa tình đồng đội giúp đỡ nhau trong thời chiến cũng như thời bình; Chương 3 “Đoàn kết là sức mạnh”, ngợi ca tinh thần hòa hợp dân tộc, đoàn kết góp phần đưa đất nước đi lên.
Tại đầu cầu TP Điện Biên, sân khấu sẽ tái tạo lại không gian chiến đấu với sân khấu chính là khu đồi A1 và được đặt trước nghĩa trang liệt sĩ. Toàn bộ những ngôi mộ trong nghĩa trang sẽ được thắp hương trong không khí linh thiêng của hàng ngàn ngọn nến lung linh.
Tại đầu cầu Củ Chi, sân khấu được đặt dưới chân tháp Đền Bến Dược, nơi đã che giấu cán bộ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Ban tổ chức huy động từ 500 đến 700 người gồm những nghệ sĩ, chiến sĩ và nhân dân tham gia ngay trong cầu truyền hình để tái hiện lại những khoảnh khắc lịch sử oai hùng của dân tộc với phần âm nhạc ấn tượng và ý nghĩa của NS Đức Thịnh và NS Lê Quang.
Tại mỗi điểm đầu cầu sẽ có 2 MC dẫn chương trình gồm Quỳnh Trâm, Đỗ Thụy, Vũ Phong, Phương Thảo và nhà văn Chu Lai, đại tá quân đội, được nhiều giải thưởng về văn chương của Hội đồng văn học chiến tranh cách mạng - lực lượng vũ trang và Bộ Quốc phòng. Ông Mã Diệu Cương, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TPHCM, Trưởng Ban tổ chức cho biết: “Nội dung chủ đạo của cầu truyền hình là thể hiện chặng đường giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước.
Có nhiều loại hình nghệ thuật để thể hiện như thơ, âm nhạc, cải lương, điện ảnh… và trong chương trình còn có video clip về nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo), ngã ba Đồng Lộc. Ngoài ra còn 30 phóng sự về những tấm gương thương binh vượt khó, lạc quan vươn lên trong cuộc sống qua mục “Như một lời tri ân”. Hiện sóng của Đài Truyền hình TPHCM đã phủ cả nước và phát ra nước ngoài nên chắc chắn sẽ thu hút hàng triệu người xem, phát huy hiệu quả truyền thống và đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam”.
Ngoài ra, tối 25-7 tại nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo), Hội doanh nghiệp Cựu chiến binh - Cựu quân nhân TPHCM cùng Công ty CP Nhiếp ảnh và DV VH TPHCM cùng UBND huyện Côn Đảo tổ chức chương trình sân khấu hóa quy mô mang tên “Côn Đảo - Bản anh hùng ca bất tử” với sự tham dự của gần 400 diễn viên trong 3 chương: “Tưởng nhớ”, “Những con người huyền thoại”, “Theo dấu người xưa - xây dựng hòn đảo ngọc”.
Xuân Thái