Chăm con bệnh mùa dịch

Nhà có con nhỏ bị bệnh, lại rơi vào thời điểm dịch Covid-19 đang căng thẳng, các bệnh viện gần như quá tải, phụ huynh phải làm gì để có thể chăm sóc tốt nhất cho con? Câu hỏi khó này khiến bậc làm cha mẹ phải tính toán, tìm kiếm nhiều cách thức giải quyết.
Luôn chuẩn bị đầy đủ để chăm sóc sức khỏe cho con trẻ ngay tại nhà. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Luôn chuẩn bị đầy đủ để chăm sóc sức khỏe cho con trẻ ngay tại nhà. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Dùng kinh nghiệm

Chị Phương Thùy (quận Tân Bình) là mẹ của bé Trung 5 tuổi. Chị kể, 2 tuần trước, để đổi món cho đỡ ngán, chị đã đặt cơm chiên hải sản qua ứng dụng cho con ăn. Đến tối, bé nói với mẹ bị đau bụng. Chị Thùy nghĩ chắc con hơi chột bụng một chút nên xức dầu cho con. Đến hơn 3 giờ sáng, bé dậy và ói. Chị Thùy quýnh quáng xoay xở một mình vì chồng đang làm việc ở khu phong tỏa. 

Sau khi dọn dẹp “bãi chiến trường” của con, chị hỏi tình trạng con nhưng chỉ thấy bé mệt lừ đừ, lắc đầu, bảo muốn ngủ. Giấc ngủ sau đó của bé không ngon, hay trở mình, rên ư ử. Đến hơn 5 giờ sáng, bé lại dậy ói liên tục đến 7 giờ hơn. Sau mỗi lần bé nôn thốc tháo như vậy, chị Thùy lại pha nước ấm cho con súc miệng và uống vài ngụm. Tiếp theo các đợt nôn, bé tiêu chảy nhiều lần. Chị Thùy dùng kinh nghiệm những lần bé bị tiêu chảy trước kia, đã cho bé uống thuốc nước lợi khuẩn đường ruột cùng thuốc bột trị tiêu chảy Smecta. Chị cố gắng ép bé uống nước nhiều lần trong ngày để cơ thể không bị mất nước. Nhưng về chiều, bé bắt đầu sốt, chị liên tục dùng khăn nhúng nước ấm lau mình con. Các cơn sốt, đợt tiêu chảy vẫn kéo dài và rải rác suốt cả đêm thứ 2. Thương con 2 ngày vật vã, chị Thùy tính toán, nếu con không giảm triệu chứng bệnh thì sẽ gọi dược sĩ nhờ tư vấn. May mắn thay, qua ngày thứ 3, bé tỉnh táo hơn, chịu uống sữa, ăn được chút cháo. Dẫu bụng vẫn chưa được ổn nhưng hết ngày thứ 3, qua ngày thứ 4, sức khỏe của bé dần dần hồi phục. 

Chị Thiên Kim (quận Phú Nhuận) cũng có con nhỏ được 7 tuổi. Những ngày qua, thời tiết mưa gió thay đổi xoành xoạch, lúc nóng, lúc mát lạnh, bé Phương nhà chị cứ sụt sịt cảm. Cũng ngán ngại chuyện đi bệnh viện thời điểm này, chị Kim đã tận dụng triệt để kinh nghiệm chăm con của mình để xử lý những lúc bé chớm bệnh. Ở nhà, chị luôn thủ sẵn một số loại thuốc thông dụng dành cho trẻ nhỏ như thuốc cảm, thuốc xịt rửa mũi, si rô ho… và sử dụng đúng liều lượng, chú ý tăng cường vitamin cho con; thay đổi không gian sinh hoạt thường nhật, không để bé bị quá lạnh hay quá nóng khi thường xuyên phải ở nhà, trong phòng mở máy lạnh hay quạt gió. 


Nhờ tư vấn chuyên môn

Con chị Minh Tâm (quận 7) khá hiếu động. Tuần rồi bé mải chơi banh, quả banh va trúng làm ngã bình thủy. Nước nóng trong bình văng tung tóe, hòa lẫn với nhiều mảnh vụn thủy tinh tráng bạc. Chị Tâm ở dưới bếp nghe tiếng động vội chạy lên nhà trên nhưng không kịp cản... Chân của bé bị thủy tinh cắt chảy máu, lại thêm nước còn nóng nên bé khóc thét. Chị Tâm lật đật bế con lên ghế ngồi, rồi chị chạy nháo nhào đến tủ thuốc để tìm kiếm bông băng, thuốc sát trùng để sát khuẩn, cầm máu. 

Nhìn bàn chân con nhiều vết miểng đâm trong thịt non, chị Tâm đau xót, cố kìm lòng không khóc. Vừa dỗ dành con, chị vừa cố gắng thật nhẹ tay gắp các miếng thủy tinh nhỏ đang ghim trong lòng bàn chân, rửa vệ sinh vết thương bằng dung dịch nước muối sinh lý có sẵn ở nhà, sát khuẩn bằng thuốc nước Betadine. Tuy nhiên, sợ vết thương có những nguy hiểm cho con nếu không chăm sóc tốt, chị đã gọi điện thoại cho bác sĩ quen của gia đình để nhờ tư vấn cách chăm sóc vết thương cho con tại nhà, làm sao để vết thương không bị nhiễm trùng, mau lành. Sau khi được chỉ dẫn, chị ra nhà thuốc mua một số thuốc để xức vết thương cho bé, một số thuốc uống để phòng ngừa tình huống vết thương trở nặng, có thể gây nhiễm trùng.  

Thời dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe của người lớn đã có nhiều vấn đề cần quan tâm, thế nhưng, chuyện chăm sóc trẻ con, giúp con trẻ luôn được khỏe mạnh, bình an lại càng gặp không ít cái khó, đôi lúc cũng là vấn đề nan giải cho người làm cha mẹ. Vậy nên, khi nhà có con nhỏ, trên hết vẫn phải chú trọng việc “chăm con trong tầm mắt”, nghĩa là không thể lơ là bỏ mặc con tự chơi, tự tìm kiếm trò vui. Các bà mẹ phải thường xuyên quan sát sức khỏe của con thông qua hoạt động, sinh hoạt thường ngày, sắc mặt, ánh mắt, màu môi, lời nói, nhịp thở, sự tiếp nhận thức ăn, nước uống… 

Trong nhà có con nhỏ, phụ huynh cũng nên chuẩn bị sẵn một số thuốc thông thường dành cho trẻ để có thể sử dụng kịp thời, khi con trẻ có dấu hiệu chớm bệnh là có thể sử dụng. Ở thời điểm hiện tại, có khá nhiều nhóm bác sĩ trực tuyến uy tín, phụ huynh cũng có thể cậy nhờ các “bác sĩ online” để chăm sóc gia đình mình tốt hơn.

Tin cùng chuyên mục