Chăm con phải đúng cách

Với quan niệm không cho con dùng kháng sinh hoặc không đưa trẻ nhỏ tới bệnh viện vì sợ lây thêm nhiều bệnh khác, nhiều mẹ bỉm sữa chọn cách lên mạng tham khảo cách chữa bệnh cho con. 

Thời điểm dịch bệnh Covid-19 tác động, những kinh nghiệm truyền miệng ấy lại càng được tận dụng triệt để, để rồi hậu quả thì những đứa trẻ vô tội lãnh đủ. 

Con bệnh nên gặp... bác sĩ

Rốn con chị Phạm Hải Huyền (ngụ quận Thủ Đức, TPHCM) sưng tấy, chảy dịch cả tuần nay, nhưng chị nhất quyết không đưa đi bệnh viện vì sợ bác sĩ cho con uống kháng sinh. Vậy là hàng ngày, chị lên các diễn đàn đăng hình ảnh kèm thắc mắc về tình trạng của con, với mong muốn ai đó từng có con bị như vậy chỉ cho cách chữa trị. Như các trường hợp khác, thắc mắc của chị nhận được hơn 200 bình luận với hàng chục loại thuốc điều trị được hội chị em mách kèm, khẳng định sẽ hết dứt điểm.

Thuốc nào chị Huyền cũng mua rồi đè con ra bôi, rửa nhưng cuối cùng con chị vẫn nhợt nhạt vì đau, bỏ bú và khóc ngằn ngặt cả ngày lẫn đêm. “Tôi phải làm dữ mới đưa được con đi bệnh viện. Lúc tới nơi, bác sĩ la quá chừng, rốn thằng bé bị nhiễm trùng nặng, chậm xíu nữa là nhiễm trùng máu, ảnh hưởng đến tính mạng. Chỉ lúc bác sĩ la xối xả, cô ấy mới thức tỉnh”, anh Thắng (chồng chị Huyền) kể. 

Dù hậu quả của việc chăm con theo lời của hội chị em trên mạng đã được báo chí nhắc đến nhiều, nhưng mỗi ngày có rất nhiều triệu chứng của trẻ nhỏ vẫn được các mẹ bỉm sữa đem lên mạng xã hội thắc mắc.

“Tai con em bị chảy mủ hôi mấy ngày nay có sao không các mom (mẹ - PV), em phải làm gì bây giờ?”; “Bác sĩ bảo bé nhà em bị thiếu máu nhưng không kê sắt cho bé uống mà chỉ bảo mẹ ăn thực phẩm tăng chất sắt để bé bú. Em không an tâm với cách của bác sĩ, mom nào có kinh nghiệm chỉ em với”. “Bé nhà mình bị nổi mẩn toàn thân, miệng mọc các nốt trắng, bé bỏ bú 1 tuần nay, sụt cân nhiều. Các mẹ có cách nào cải thiện không, em hoang mang quá”… Có thể nói, từ chuyện nhỏ như con trẻ hắt hơi sổ mũi, biếng ăn đến những bệnh lớn như nhiễm trùng rốn, thủy đậu, thay vì phải đến cơ sở y tế thì đều được các mẹ đem lên mạng hỏi cách chữa trị.

Dưới mỗi thắc mắc là hàng trăm lời khuyên, mỗi người khuyên một kiểu. Nhìn vào những lời khuyên ấy, chẳng biết sẽ phải tin ai, làm theo ai, nhưng rất nhiều bà mẹ dù đã đưa con đi khám bác sĩ nhưng vẫn không an tâm nên chọn cách làm theo lời chỉ dẫn của hội chị em. 

Anh Nguyễn Đại Thịnh (ngụ huyện Hóc Môn, TPHCM) cũng bức xúc với việc vợ chỉ nghe lời hội chị em trên mạng nên đã cấm vợ sử dụng Internet. Con anh mới gần 1 tuổi nhưng ngần ấy thời gian anh thấp thỏm với sức khỏe của con. Vợ chồng anh có con đầu nên còn nhiều bỡ ngỡ, vợ anh lại thuộc tuýp người ai nói gì cũng tin, trừ bác sĩ, vì cho rằng “bác sĩ chỉ có lý thuyết mà không có thực tế và kinh nghiệm của những người từng có con nhỏ là đáng tin nhất”. 

Chăm con phải đúng cách ảnh 1 Con cái khỏe mạnh là niềm hạnh phúc của các bậc cha mẹ. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Anh Thịnh kể, tháng đầu con anh bị chàm sữa (lác sữa) kín mặt, rỉ dịch vàng nhưng vợ anh không chịu cho đi bác sĩ mà lên mạng hỏi kinh nghiệm của những bà mẹ khác. Cuối cùng, vợ anh mua cả chục loại thuốc bôi và nhiều loại lá để nấu nước tắm. Cứ tắm và bôi vài lần không khỏi lại đổi loại khác dẫn đến da đứa trẻ bị tổn thương, phải đi bệnh viện và điều trị cả tháng mới bớt. Xử lý xong tổn thương da chưa được bao lâu thì bé bị viêm tai giữa. Chị cũng lên trang “Hỏi bác sĩ nhi” cách điều trị, rồi cũng tự mua thuốc bôi, rửa theo sự hướng dẫn của hội chị em. 

Thay đổi tư duy, tăng hiểu biết

Lẽ ra đón thêm thành viên là niềm hạnh phúc của mỗi gia đình, song vì quá bức bối với sự ngang ngạnh thiếu hiểu biết của vợ mà không khí trong nhà anh Thịnh lúc nào cũng “căng như dây đàn”, thậm chí xảy ra cả bạo lực gia đình. Chị vợ vẫn giữ quan điểm thương con nên không muốn con phải dùng kháng sinh và một mực cho rằng mình đang nuôi con khoa học, đúng cách.

“Nhìn con bị biến thành chuột bạch thử nghiệm những loại thuốc truyền miệng mà xót ruột. Thực tình, có những lúc tôi muốn ly hôn cho nhẹ đầu và cũng để tách con tôi ra khỏi bà mẹ thiếu hiểu biết ấy”, anh Thịnh bày tỏ.

Cũng sau lần con nhiễm trùng rốn suýt mất mạng vì nghe lời hội chị em, chị Huyền như tội đồ trong gia đình, thậm chí bị cấm đụng vào con, khiến chị sống như cái bóng giữa gia đình nhà chồng. Cuộc hôn nhân của chị cũng vì vậy mà có lỗ hổng lớn.

Tìm hiểu, những trang như “Hỏi bác sĩ nhi” với hơn 53.000 thành viên tham gia, mỗi ngày có hàng chục thắc mắc mới được các bà mẹ bỉm sữa đăng tải. Song, mang danh là hỏi bác sĩ nhi nhưng trên trang này chỉ toàn các mẹ tự hỏi rồi tự bày nhau cách chữa bệnh cho con mà không hề có một bác sĩ nào tư vấn.

Tương tự, trang Hội các mẹ cho bé ăn dặm kiểu Nhật, Hội bỉm sữa nuôi dạy con, Hội bỉm sữa chia sẻ kinh nghiệm nuôi con, Hội các mẹ chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm nuôi con… thu hút hàng trăm ngàn thành viên tham gia. Hầu hết, họ không mấy quan tâm đến việc phải đưa con đến cơ sở y tế thăm khám, thậm chí họ còn phủ nhận các chẩn đoán của bác sĩ.

Cách đây không lâu, một ông bố trẻ lên mạng kể chuyện đau đớn vì vợ nghe lời hội chị em mà lấy khoai tây, lá nhọ nồi, rau diếp cá để điều trị triệu chứng thở gấp, co rút lồng ngực của con, dẫn đến con anh bị tử vong, như hồi chuông cảnh tỉnh cho các phụ huynh. Dẫu biết rằng bà mẹ nào cũng hết mực thương con, song vì thương mà sợ đủ thứ cũng như tìm hiểu thông tin nuôi con không đúng nguồn khiến nhiều người chăm con sai cách.

Tin cùng chuyên mục