
Hôm qua 11-11, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp (ĐM-PTDN) trung ương đã có cuộc làm việc với một số cơ quan báo chí về kế hoạch tuyên truyền việc đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tại đây Phó Ban chỉ đạo ĐM-PTDN Hồ Xuân Hùng đã trả lời nhiều nội dung liên quan mà xã hội đang rất quan tâm...

Ngành đóng tàu Việt Nam hiện đang phát triển mạnh mẽ.
Ông Hồ Xuân Hùng cho biết, từ đầu năm đến nay, việc sắp xếp, đổi mới DNNN đã đạt được một số kết quả khả quan. Đáng chú ý là gần đây đã tiến hành cổ phần hóa một số doanh nghiệp lớn, tổng công ty làm ăn hiệu quả, chứ không phải chỉ những công ty nhỏ; đã tập trung cao độ chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty mẹ-con; thúc đẩy giai đoạn cuối hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh.
Các bộ ngành, địa phương đã có bước chuyển lớn trong việc sắp xếp, đổi mới DNNN. Đã có hơn 700 doanh nghiệp được sắp xếp lại, trong đó doanh nghiệp được cổ phần hóa là 440. Tuy nhiên, so với kế hoạch đề ra thì kết quả còn hạn chế, cổ phần hóa chỉ đạt 63%, sắp xếp lại DN chỉ đạt 82% kế hoạch.
Quá trình sắp xếp, đổi mới DNNN thời gian qua đã giải quyết hơn 100.000 lao động dôi dư. Nếu từ 2004 trở về trước, vốn ngoài nhà nước chỉ có 6% trong doanh nghiệp cổ phần thì sau năm 2004 là hơn 10% và dự tính cuối 2006 sẽ đạt đến 16%-20%. Cổ phần hóa nhìn chung còn ì ạch. Trong số 2.600 doanh nghiệp cổ phần chỉ 30% doanh nghiệp không có vốn nhà nuớc, 29,5% DN ở đó nhà nước vẫn giữ cổ phần trên 51%. Cơ cấu này không thỏa đáng.
- PV: Thưa ông, việc xác định công ty mẹ và đặc biệt là những công ty hạch toán độc lập có thương hiệu riêng sẽ gặp khó khăn không?
- Ở đây có hai tình huống. Thứ nhất, công ty mẹ bao gồm văn phòng tổng công ty và các công ty con và môït số công ty con khác hạch toán độc lập được hạ cấp để sáp nhập thành công ty mẹ. Thứ hai, bản thân công ty có công ty con rồi thì không có vấn đề gì xảy ra. Về thương hiệu sẽ không vướng vì có chung và riêng như Tổng công ty rau quả, chè. Vướng chủ yếu là quyền lực của công ty con. Nếu xử lý không khéo thì có trường hợp có những công ty được coi là anh em với nhau, vậy mà bây giờ lại sinh chuyện “tôi là con của anh...”
- Trách nghiệm của người đứng đầu doanh nghiệp ra sao nếu không bảo đảm cổ phần hóa đúng tiến độ?
- Họ phải chịu trách nhiệm trước tiến độ và thực hiện đúng lộ trình ấy. Nếu để xảy ra hậu quả thì họ phải chịu trách nhiệm.
- Chính sách xử lý lao động dôi dư theo Nghị định 41 đến bao giờ hết hạn? Theo quy định của Chính phủ là 31-12-2005, vậy những doanh nghiệp chưa cổ phần hóa xong trong năm 2005 sẽ xử lý thế nào?
- Các doanh nghiệp đã có quyết định thì sẽ phải hoàn thành trong năm 2005, còn những doanh nghiệp không làm hoặc năm
sau sẽ làm thì chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Hiện các địa phương và Bộ, ngành đang tiến hành quyết liệt thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa. Nếu trong quá trình đó, họ gặp nhiều yếu tố khó khăn mang tính khách quan phải kéo sang 2006 hoặc trong diện năm 2006 sẽ cổ phần hóa thì Nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề lao động dôi dư.
- Chính sách cơ bản nhất để có thể thúc đẩy nhanh việc cổ phần hóa, theo ông là gì?
- Chính sách đã rõ. Vấn đề là ở tổ chức thực hiện để nâng trách nhiệm cho Chủ tịch HĐQT các tổng công ty có doanh nghiệp trong dạng cổ phần và cần giám sát doanh nghiệp đánh trống bỏ dùi hoặc chỉ hoàn tất trên văn bản, kéo dài thời gian thực hiện. Quy định về thời hạn trong Nghị định số 41 và Chỉ thị của Thủ tướng sẽ thúc đẩy doanh nghiệp đẩy mạnh cổ phần hóa.
- Một số ý kiến lo ngại cổ phần hóa sẽ gắn liền với tư nhân hóa?
- Tinh thần hiện nay là không gắn cổ phần hóa với tư nhân hóa và không được trở thành tư nhân hóa.
- Nhưng trên thực tế, các phần vốn sau khi cổ phần hóa được biến thành tư nhân hóa dưới nhiều dạng?
- Phần tiền thuộc về cá nhân nhưng phần doanh nghiệp vẫn thuộc tập thể người lao động và đó là tập thể lớn chứ không phải chỉ là 3-5 người. Doanh nghiệp nhà nước còn giữ vốn là của nhà nước, của người lao động. Có tình trạng mua chui, bán chui nhưng cả một số doanh nghiệp nhà nước, số cổ phần vẫn nằm trong một tập thể.
- Trong việc định giá tài sản thì hàng nghìn m2 đất chỉ có giá vài tỉ đồng và các mối quan hệ thân quen được mua lại? Vậy tháo gỡ bằng cách nào?
- Hiện tượng này chỉ có thể xảy ra đối với quy định trước kia. Tức là khi bán cổ phần phân chia ra tính giá, hội đồng định giá rồi mới bán thì có thể xảy ra tình trạng như vậy. Song tiêu cực chỉ diễn ra ở bộ phận nhỏ chứ không phải phổ biến. Sau này, chúng ta đã sửûa bằng Nghị định số 87. Theo đó, tất cả những cái cần định giá đã chuyển thành đấu giá. Chúng ta đưa ra đấu giá công khai thì tiêu cực cơ bản được khắc phục.
QUỐC – HÀ