Kinh tế TP Hồ Chí Minh

Chặng đường đổi mới

Chặng đường đổi mới

TPHCM bước vào năm mới đầy tự tin, sau khi vượt qua năm 2004 đầy khó khăn: dịch cúm gà trong nước; tình hình thế giới nhiều biến động; giá cả vật tư, nguyên liệu gia tăng; giá vàng, đô la... tăng, giảm bất thường... để đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đầy khích lệ: 11,6%, với GDP bình quân đầu người 1.800 USD.

  • Từ những bài học kinh nghiệm
Chặng đường đổi mới ảnh 1

Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu ở Công ty Điện tử Bình Hòa.  Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

TP Sài Gòn được giải phóng, sau những hăm hở ban đầu, chúng ta phải đối mặt với vô vàn khó khăn do thiếu kiến thức và kinh nghiệm quản lý kinh tế – xã hội nói chung và quản lý một thành phố công nghiệp nói riêng.

Nghị quyết 6 (khóa IV) BCH Đảng bộ TPHCM tháng 9 năm 1979 ra đời đã chỉ ra tác hại của cơ chế hành chánh quan liêu, bao cấp và đề ra nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn, cho sản xuất “bung ra”.

Trước đó, được sự chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy TPHCM cũng đã có Nghị quyết 9, tháng 8-1979, cho phép cơ sở giành quyền chủ động, đề ra kế hoạch bổ sung, không trông chờ, ỷ lại cấp trên, tự tạo nguồn vật tư, nguyên liệu, thực hiện lương khoán, lương sản phẩm, kết hợp chặt chẽ 3 lợi ích, trong đó quan tâm đúng mức đến lợi ích người lao động. Đây là một bước ngoặt trong quản lý kinh tế của thành phố.

Nghị quyết 6 (khóa IV) ra đời nhằm giải quyết những lỗi thời của cơ chế quan liêu, bao cấp, nhưng đồng thời cũng bắt nguồn từ một thực tế sinh động ở cơ sở. Từ năm 1979, tại TPHCM đã xuất hiện một số mô hình tháo gỡ khó khăn trong sản xuất công nghiệp. Từ khi có Nghị quyết 6 (khóa IV) sản xuất công nghiệp thành phố ngày càng phát triển, giá trị tổng sản lượng mỗi năm một tăng. Dĩ nhiên, trong quá trình đi lên đó, vẫn còn nhiều cản trở, gây tổn thất cho nền kinh tế như đợt điều chỉnh giá bán buôn xí nghiệp năm 1981, một số quy định không đúng về xuất nhập khẩu, kiều hối năm 1983... Tuy nhiên, trong cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, những cái phù hợp với quy luật, có sức sống sẽ được khẳng định.

  • Những bước chuyển đổi rõ nét

Có thể nói, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6 đã tạo những đổi thay cơ bản cho bức tranh kinh tế – xã hội của TPHCM. Gần 20 năm đổi mới, thành phố không những từng bước vượt qua được khó khăn, phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao thu nhập người dân mà còn bằng thực tiễn của mình, cùng với cả nước góp phần xây dựng đường lối, chủ trương đổi mới đất nước.

Trong thời kỳ đầu đổi mới (1986 – 1990), GDP của thành phố chỉ tăng bình quân 7,82%/năm, nhưng đến giai đoạn 1991-1995, tăng đến 12,6%/năm và năm 1995 tăng gấp hơn 2 lần so với 1986. Có thể nói, trong giai đoạn 1991-1995, sức sản xuất của TP được giải phóng rất mạnh, có sức thu hút đối với đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là trong lãnh vực công nghiệp và dịch vụ, mà không một địa phương nào có thể so sánh.

Thành phố đã vận dụng một cách sáng tạo nhiều mô hình mới như xây dựng khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung, áp dụng phương thức BOT trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thí điểm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước… Thành phố cũng đi đầu trong phong trào xóa đói giảm nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, mắt sáng cho người mù, nụ cười cho trẻ em… Các chương trình cải tạo nhà ổ chuột, nhà trên kênh rạch, xây dựng nhà chung cư, cư xá, nhà cho người có thu nhập thấp… cũng được triển khai xây dựng.

Tuy nhiên, bước sang giai đoạn 1996-2000, kinh tế thành phố có xu hướng phát triển chậm lại, chỉ đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 10,2%/năm, một phần do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính châu Á, phần khác do phát triển kinh tế thành phố thiếu bền vững, môi trường đầu tư chậm được cải thiện.

Với việc triển khai thực hiện 12 chương trình và công trình trọng điểm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đồng bộ với phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, gắn sự tăng trưởng kinh tế với phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, kinh tế thành phố mới bắt đầu hồi phục và phát triển. Suốt 4 năm qua, kinh tế thành phố liên tiếp đạt tốc độ tăng trưởng theo hướng tăng dần, năm sau cao hơn năm trước: 9,5% năm 2001; 10,2% năm 2002; 11,2% năm 2003 và 11,6% năm 2004 và dự kiến 12% trở lên trong năm 2005.

Bước vào năm 2005, thành phố tất bật với những dự án lớn: Đại lộ Đông-Tây (với các công trình cầu, hầm, đường Thủ Thiêm; cầu dây văng hiện đại Phú Mỹ, cầu Tân Thuận 2), khu đô thị mới Thủ Thiêm… những dự án mà từ lâu người dân thành phố mong sớm triển khai thực hiện. Những khó khăn, thử thách vẫn còn nhiều, nhưng chặng đường đổi mới gần 20 năm đã được khẳng định.

VÕ PHƯỢNG LAM

Tin cùng chuyên mục