Chắp cánh ước mơ cùng trẻ khuyết tật

Cô Nguyễn Thị Diệu Vân (46 tuổi) từng ngày nuôi dưỡng ước mơ cho biết bao số phận bất hạnh, với mong muốn mang đến cơ hội học tập để giúp đỡ các trẻ em khuyết tật có thể hòa nhập với môi trường xung quanh. 

Theo đuổi giấc mơ cùng trẻ chuyên biệt

Sau nhiều năm ấp ủ, tháng 9-2016, được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, Trung tâm Bảo trợ trẻ em khuyết tật Tâm Bình (sau đây gọi tắt là Trung tâm - tọa lạc tại số 59 Huyền Trân Công Chúa, TP Huế) chính thức được thành lập. Hiện có hơn 30 trẻ chuyên biệt mang các bệnh lý như khiếm thị, khiếm thính, down, tâm thần nhẹ, tăng động, tự kỷ... theo học.

Cô Diệu Vân tốt nghiệp cử nhân Ngoại ngữ tại Trường Đại học Huế, tuy có nhiều cơ hội làm việc đúng chuyên ngành của mình với mức lương phù hợp, nhưng cô lại bén duyên với nghề chăm sóc, nuôi dạy trẻ em khuyết tật.

Chắp cánh ước mơ cùng trẻ khuyết tật ảnh 1 Cô Diệu Vân tổ chức sinh nhật cùng các em nhỏ tại Trung tâm
Cô chia sẻ: “Việc giao tiếp với các em gặp nhiều khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ. Không thể cầm lòng trước những em nhỏ khuyết tật phải chịu nhiều thiệt thòi, tôi đã quyết định bỏ qua các cơ hội việc làm đúng ngành nghề để về Trung tâm trước sự ngỡ ngàng của người thân, bạn bè. Sau đó, tôi theo học các lớp kỹ năng về nuôi dạy trẻ khuyết tật trong và ngoài nước để hướng dẫn và chăm sóc các em”. Bao năm qua, cô Diệu Vân như một người mẹ nuôi dạy hàng trăm trẻ nhỏ. Thời gian trôi, cô càng yêu nghề hơn. “Các em chịu nhiều hơn nỗi đau vì đa phần có hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, tình yêu thương san sẻ trong mái nhà không trọn vẹn, chịu nhiều sự miệt thị của các bạn cùng trang lứa… Các thầy, cô tại Trung tâm đã tạo môi trường tốt nhất cho các em, mong sao bù đắp được phần nào, giúp các em hòa nhập với cộng đồng. Tình thương giữa người với người trong xã hội cần được nung nóng hơn, che chở cho các em, bởi các em đáng thương gấp bội lần”, cô Vân ngậm ngùi.  

“Bao năm gắn bó với nghề, không bảng đen, không bụi phấn, nhưng đổi lại là tình thương yêu, nhiệt huyết tuổi trẻ dành trọn cho các em khuyết tật. Lắm lúc mệt mỏi vì có những em hướng dẫn mãi mà vẫn hành động theo bản năng, không tiến bộ. Nhưng khi nghĩ đến chữ “thương”, chữ “tâm” thì tôi lại gạt bỏ hết mọi khoảng cách, cô trò cùng cố gắng nhiều hơn”, cô Vân nhẹ nhàng nói.

Ước mơ có phép nhiệm màu

Trẻ khuyết tật không có tuổi thơ êm đềm hạnh phúc như những đứa trẻ khác, nên các em rất nhạy cảm với mọi thứ xung quanh, đặc biệt khi gặp người lạ. “Có lần tôi và các cô đưa các con đi Big C, do vẻ ngoài của các con có những đặc điểm riêng nên rất nhiều người chú ý nhìn, có người còn chỉ trỏ. Có con đã hỏi tôi rằng, sao mọi người nhìn bọn con nhiều quá vậy. Lúc ấy, tôi như chết lặng, chỉ biết nhẹ nhàng nói vì các con ít đi chơi nên mọi người thấy lạ thôi, sau này cô sẽ đưa các con đi chơi nhiều hơn”, cô Vân xúc động kể.

Ngoài dạy các em về kỹ năng sống, nói, học tập, Trung tâm còn dạy các em nghề làm hương trầm, các món đồ thủ công, với mong muốn các em sẽ có một nghề trong tay để sau này có thể tự mình kiếm tiền nuôi bản thân, vượt qua những thiếu thốn vật chất và nhất là trở thành người có ích cho xã hội.

Thành lập Trung tâm được hơn 2 năm, cô Vân vui vì chứng kiến sự thay đổi từng ngày của các em. Thế nhưng, lo lắng lớn nhất hiện tại của cô là tài chính.

Trung tâm hoạt động dựa trên sự ủng hộ của các nhà hảo tâm chứ không có một nguồn kinh phí cố định nào. Tâm sự cùng chúng tôi trong ngày đầu năm mới, cô Vân cho biết dự định trong năm 2019, Trung tâm sẽ mở cửa hàng trưng bày và bán các sản phẩm do các em làm ra để tạo thu nhập duy trì hoạt động.

Các thầy cô mong muốn cơ sở vật chất của Trung tâm được cải thiện để các em có điều kiện học nghề tốt hơn. Rất mong mùa xuân sẽ hiển hiện trong cuộc sống sau này của các em! 

Tin cùng chuyên mục