Tại cuộc họp giao ban trực tuyến giữa lãnh đạo Bộ NN-PTNT và đại diện Bộ Y tế với các tỉnh, thành phố trong cả nước về chấn chỉnh công tác quản lý, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm tổ chức chiều 19-10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định sản xuất thực phẩm bẩn là một tội ác, không thể chấp nhận tình trạng vì lợi ích của một vài cá nhân mà gây ảnh hưởng tới sức khỏe hàng chục triệu người.
Rau độc, thịt bẩn, cá không an toàn
Nhân viên Chi cục Thú y kiểm tra thịt heo trước khi cho nhập vào chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Thủ Đức
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, số liệu giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) trên diện rộng 9 tháng năm 2015 cho thấy, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm ATTP còn cao, một số chỉ số ATTP chưa được cải thiện so với năm 2014. Còn 1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng hoặc vượt ngưỡng cho phép; 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép; 16% mẫu thịt có Salmonella, 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng. Trong khi đó, trung bình hàng năm, tỷ lệ mẫu rau tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng chỉ ở mức 6% - 8%.
Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong 9 tháng của năm 2015, ngành y tế đã tiến hành 20.444 cuộc thanh tra đối với 344.000 cơ sở thực phẩm, phát hiện 19,4% số cơ sở vi phạm, nhưng giảm so với cùng kỳ năm 2014 (hơn 21%). Tuy nhiên, mức xử phạt cơ sở vi phạm cũng mạnh tay hơn, trung bình mỗi cơ sở bị xử phạt... 2,76 triệu đồng.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, tình hình ATTP trong nông, lâm thủy sản năm 2015 chưa có bước tiến triển so với năm 2014 dù các bộ, ngành và địa phương vào cuộc khá quyết liệt. Ngành nông nghiệp vẫn nổi cộm những vấn đề gây bức xúc như chất cấm trong chăn nuôi, lạm dụng kháng sinh trong thú y, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, kích thích tăng trưởng, bảo quản nông sản... làm mất uy tín của nông sản cả trên thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đặt vấn đề, chất cấm trong chăn nuôi được người dân mua theo từng bịch nylon về trộn vào thức ăn chăn nuôi, vậy nguồn gốc ở đâu. Hiện một số doanh nghiệp được phép nhập khẩu chất cấm Clenbuterol và Salbutamol về sản xuất thuốc trong y tế. Ngoài ra, hiện có tình trạng người chăn nuôi sử dụng kháng sinh trộn vào thức ăn chăn nuôi, một mặt là đề phòng bệnh, mặt khác là để kích thích tăng trưởng. Ông Cao Đức Phát nói: “Đề nghị Bộ Y tế giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu các chất cấm và tình hình sử dụng kháng sinh hiện nay. Tôi cũng đề nghị Bộ Công an cùng nhau vào cuộc, tìm ra đầu nậu và đường dây buôn bán chất cấm này để triệt phá tận gốc”.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng: “Chúng ta phải cùng nhau làm quyết liệt, dứt khoát phải chặn đứng tình trạng chất cấm trong đợt cao điểm này, còn vào cuộc đều đều như thời gian vừa qua thì cứ chìm xuống rồi lại bùng lên”.
Đại diện Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) cho biết, ngay đầu tháng 10, Bộ Công an đã có một kế hoạch riêng về trấn áp tội phạm liên quan đến ATTP và triển khai tại 63 tỉnh, thành phố. Đại diện Bộ Công an đồng tình việc cần siết chặt lưu thông các chất Salbutamol và Clenbuterol trên thị trường.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, hành vi buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cần phải được xử lý nghiêm, thậm chí có thể xử lý hình sự chứ không chỉ phạt tiền đối với các cơ sở, đối tượng tái phạm. Ngoài ra, các địa phương cần vận động sự vào cuộc của các cấp hội như hội nông dân, hội phụ nữ... cảnh báo đến từng hộ dân và người tiêu dùng về hành vi, sản phẩm, nguy cơ cụ thể. Đặc biệt, từ nay đến Tết Nguyên đán là cao điểm tiêu dùng thực phẩm, các bộ như Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công thương cần sớm có kế hoạch hướng dẫn cụ thể cho các địa phương vào cuộc thực hiện.
VĂN PHÚC