
* TPHCM nằm trong danh sách 10 thành phố bị đe dọa ngập lụt hàng đầu

Người dân ở các thành phố châu Á đối mặt với nguy cơ ngập lụt ngày càng cao.
Một công trình nghiên cứu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố ngày 5-12 dự đoán từ nay đến năm 2070, ít nhất 150 triệu người sống tại các thành phố ven biển, chủ yếu ở khu vực châu Á, sẽ bị ảnh hưởng của tình trạng ngập lụt do bão và nước biển dâng cao.
Công trình nghiên cứu này dựa trên giả thuyết của Nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu, theo đó đến năm 2070, mực nước biển sẽ dâng cao thêm 50cm mà nguyên nhân chủ yếu là do băng ở vùng Greenland và Nam cực tan nhanh dưới tác động của hiện tượng Trái đất nóng lên.
Trong số 136 thành phố cảng trên thế giới có nguy cơ ngập lụt cao, có tới 38% là các thành phố châu Á. Tổng số tiền thiệt hại do ngập lụt tại 136 thành phố này vào năm 2070 sẽ là 35 ngàn tỷ USD, chiếm 9% GDP hàng năm. Châu Á chiếm 6 trong tổng số 10 thành phố trên thế giới có số dân bị ảnh hưởng ngập lụt nhiều nhất theo thứ tự là Mumbai (Ấn Độ), Quảng Châu, Thượng Hải (Trung Quốc), Miami (Mỹ), TPHCM (Việt Nam), Kolkata (Ấn Độ) New York (Mỹ), Osaka-Kobe (Nhật Bản), Alexandria (Ai Cập) và New Orleans (Mỹ). Còn 10 thành phố có nhiều nguy cơ ngập lụt nhất thế giới thì có đến 9 thành phố châu Á gồm Kolkata, Mumbai (Ấn Độ), Dhaka (Bangladesh), Quảng Châu (Trung Quốc), TPHCM (Việt Nam), Thượng Hải (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Rangoon (Myanmar), Miami (Mỹ) và Hải Phòng (Việt Nam).
Nếu mở rộng danh sách lên 20 thì có tới 15 thành phố nằm ở châu Á. Đối với Việt Nam, các chuyên gia không loại trừ khả năng là từ nay đến năm 2100, mực nước biển sẽ dâng cao thêm 1m, gây ngập lụt nghiêm trọng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Báo cáo về phát triển con người 2007-2008 của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc nêu rõ, nếu nhiệt độ Trái đất tăng thêm 2 độ, 22 triệu người ở Việt Nam sẽ bị mất nhà cửa và 45% diện tích đất nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị mất khi mực nước biển tiếp tục dâng cao. OECD cho rằng những thành phố lớn, đặc biệt là ở châu Á và châu Phi cần phải nhanh chóng đưa yếu tố biến đổi khí hậu vào chính sách phát triển đô thị và quản lý rủi ro.
H.Q. (Theo AFP, Reuters)