Châu Âu “chia tay” độc quyền năng lượng

Hôm nay, 1-7, thị trường năng lượng châu Âu bắt đầu tự do hóa 100% theo như các văn bản của châu Âu quy định năm 1996 và 1998. Từ hôm nay, người tiêu dùng châu Âu có thể tự do chọn cho mình nhà cung cấp điện, khí đốt  tư nhân mà không phải phụ thuộc các nhà cung cấp quốc doanh bấy lâu.

Sự kiện này không hẳn là một vụ gây “chấn động” trên toàn châu Âu bởi lẽ nhiều nước đã tiến hành mở cửa thị trường năng lượng từ trước ngày 1-7. Tính đến tháng 9-2005, Đan Mạch, Đức, Tây Ban Nha, Italia, Hà Lan, Áo và Anh là những nước tuyên bố đã tư nhân hóa hoàn toàn lĩnh vực năng lượng. Có điều kinh nghiệm và bài học rút từ các chương trình tư nhân hóa năng lượng ở các nước trên không phải lúc nào cũng tuyệt hảo. Thường thấy nhất là giá nhiên liệu thời gian đầu giảm thấp, sau đó tăng dần, buộc các nhà điều phối phải can thiệp.

Ở Đức, hóa đơn tiền điện hàng tháng của một gia đình (gồm bố mẹ và một con) đã tăng trung bình 26% kể từ khi tư nhân vào cuộc năm 2002. Còn ở Anh, thời gian đầu sau khi British Gas hoàn tất tư nhân hóa vào năm 1998, giá gas giảm nhẹ so với mặt bằng chung của châu Âu. Đến năm 2004, giá nhiên liệu nơi đây tăng vọt so với phần còn lại của châu lục do các đại lý tư nhân tự nâng mức giá. 6 tháng đầu năm nay, British Gas đã tăng giá 3 lần với lý do hãng này đã thua lỗ 143 triệu bảng Anh. Tổng cộng, giá của British gas đã tăng tới 90% kể từ năm 2003.

Các nhà kinh tế luôn hy vọng tư  nhân hóa không bị gò ép trong sự phát triển kinh tế. Nhưng để đạt được sự thoải mái cho cả người tiêu dùng lẫn nhà cung cấp thật không dễ. Bản thân các nhà cung cấp ngay từ trước khi quy định có hiệu lực đã không ngần ngại tung ra các chiến dịch ưu đãi, từ chế độ bảo hành tới mức giá thấp hơn từ 5%-10% so với giá hiện hành. Hãng khác, ngoài việc hứa hẹn mức giá hấp dẫn còn cam kết cung cấp 100% năng lượng tái sinh và mở ra các dịch vụ tư vấn khách hàng.

Một cuộc cạnh tranh khốc liệt đang bắt đầu. Nhưng người tiêu dùng có thực sự được lợi? Không ít hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng đã lên tiếng kêu gọi nhà cung cấp nên thận trọng, tránh cho người tiêu dùng những hậu quả của việc mở cửa như phá giá để chinh phục thị trường, tranh giành thị phần, cung cấp hàng chưa được thẩm định chất lượng… Nhiều chuyên gia nhận định người tiêu dùng chẳng có nhiều lợi ích khi đổi nhà cung cấp, đó là chưa kể họ sẽ tốn kém nhiều trong những tháng sắp tới, khi giá nhiên liệu trên thị trường có nguy cơ tăng đến mức nguy hiểm.

Việc mở cửa thị trường cho mọi lĩnh vực kinh tế hiện đang là trào lưu không chỉ ở châu Âu. Hôm qua là tư nhân hóa điện thoại. Hôm nay tự do hóa điện và gas. Ngày mai sẽ đến lượt bưu điện. Tất cả nhằm mục đích phát triển thị trường, thúc đẩy tăng trưởng và sáng tạo. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo cho dù phát triển và cạnh tranh đến đâu, các nhà cung cấp năng lượng sắp tới của châu Âu nên cạnh tranh lành mạnh, người tiêu dùng nên tỉnh táo trong lựa chọn vì suy cho cùng, nếu rủi ro xảy ra thì thiệt thòi nhất vẫn là người tiêu dùng.

Lê Văn (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục