Xây dựng lòng tin
Từ ngành sản xuất ô tô đến điều chế vaccine, quyền truy cập vào dữ liệu công nghiệp rất quan trọng đối với tương lai của nền kinh tế toàn cầu. EU lo ngại rằng, sự thiếu tin tưởng giữa các quốc gia thành viên sẽ kìm hãm tăng trưởng.
EU quan tâm đến việc bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu trước vị thế thượng phong của Mỹ và Trung Quốc, những siêu cường toàn cầu được coi là thống trị nền kinh tế kỹ thuật số ở châu Âu.
Ngoài ra, quyền riêng tư về dữ liệu là một vấn đề lớn ở châu Âu, nơi hàng loạt vụ kiện cấp cao nhất đe dọa ngăn chặn quyền tiếp cận của các gã khổng lồ công nghệ Mỹ vào EU. EC đã công bố các đề xuất để vượt qua những rào cản đó và cho phép dữ liệu lưu thông xuyên biên giới, giúp các doanh nghiệp cạnh tranh không bị cản trở.
Theo Ủy viên phụ trách công nghiệp EU Thierry Breton, để đảm bảo rằng sự lưu thông của dữ liệu, EU cần phải thiết lập các quy tắc để tăng cường xây dựng lòng tin. Những quy tắc đó sẽ giúp các công ty và nhà nghiên cứu châu Âu dễ dàng trao đổi dữ liệu nhưng hiện đang bị ngăn chặn vì lo ngại về quyền riêng tư, bảo mật hoặc quyền sở hữu trí tuệ…
Thách thức chủ quyền công nghệ
Giới quan sát nhận xét việc EU công bố các đề xuất quy tắc liên quan đến việc chuyển các dữ liệu có giá trị là động thái của khối trước thách thức về chủ quyền công nghệ và công nghiệp. Dịch Covid-19 và tình trạng thiếu hụt trang thiết bị bảo hộ, dụng cụ y tế, làm lộ rõ nhược điểm trong mô hình phát triển của EU.
“Với khủng hoảng y tế lần này, rõ ràng châu Âu không làm chủ hết tất cả các công đoạn từ việc thu thập cho đến quản lý các dữ liệu, để rồi ảnh hưởng luôn cả y tế. Công nghiệp dược phẩm châu Âu đã phụ thuộc vào Trung Quốc. EU thấy rõ là cần phải tự chủ hơn trong rất nhiều lĩnh vực, như: điện lực, công nghệ không gian, quốc phòng, viễn thông, dược phẩm, trang thiết bị y tế, hệ thống cung cấp lương thực, thực phẩm...”, nhà nghiên cứu Jean-Pierre Darnis, Quỹ Nghiên cứu chiến lược Pháp, nhận định.
Trên thực tế, EU không đợi dịch Covid-19 cảnh tỉnh về mức độ lệ thuộc vào một số nền kinh tế khác trên thế giới, đứng đầu là Trung Quốc hay Mỹ. EC đã từng trình bày chiến lược công nghiệp chung cho EU với mục tiêu củng cố mức tự chủ về công nghiệp và trong những lĩnh vực chiến lược, đối phó với cạnh tranh gay gắt ở cấp quốc tế. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 là cú hích thúc đẩy EU khẩn trương giành lại chủ quyền và độc lập từ công nghiệp đến y tế và nhất là công nghệ cao.
Giáo sư Jean-Michel Dalle của Đại học Sorbonne (Pháp) không ngần ngại cho rằng, sau Covid-19, nhân loại đang bước vào thời đại của “deeptech” - những công nghệ tiên tiến nhất. Theo nhà nghiên cứu Jean-Pierre Darnis, những kế hoạch đầu tư tái thiết kinh tế sau Covid-19 là thời cơ để một số những tập đoàn công nghệ cao của EU “cất cánh”.