Theo BBC, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thừa nhận tình hình tại Syria hiện đã ngoài tầm kiểm soát trong bối cảnh cộng đồng quốc tế liên tục kêu gọi và nỗ lực cứu thỏa thuận ngừng bắn đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ.
Yêu cầu hỗ trợ
Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama mới đây một lần nữa phải đề nghị sự hỗ trợ của Nga với hy vọng về một giải pháp như mong muốn. Ngày 3-5, trong cuộc điện đàm do Mỹ khởi xướng, Ngoại trưởng Mỹ Kerry đã đề nghị người đồng cấp Nga Sergei Lavrov hỗ trợ nhằm kiềm chế và ngăn chặn tình trạng bạo lực tại Syria, đặc biệt là xung quanh điểm nóng thành phố Aleppo. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Kerry hy vọng sớm gặp ông Lavrov để trao đổi sâu hơn về tình hình Syria và Mỹ sẽ đánh giá lại các nỗ lực hiện nay nhằm đảm bảo việc ngừng các hoạt động thù địch trong toàn lãnh thổ Syria và tự do tiếp cận các khu vực vì mục đích viện trợ nhân đạo.
Trước đó, Ngoại trưởng Kerry đã tới Geneva để gặp và thảo luận với đặc phái viên Liên hiệp quốc về Syria Staffau de Mistura cùng người đồng cấp Saudi Arabia và Jordan về thỏa thuận ngừng bắn cũng như quá trình chuyển tiếp chính trị Syria. Trong ngày 3-5, Ngoại trưởng Nga Lavrov có cuộc gặp với ông Staffau de Mistura tại thủ đô Mátxcơva nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Syria.
Dự kiến, vào ngày 4-5, Ngoại trưởng Đức sẽ chủ trì cuộc hội đàm với người đồng cấp Pháp, đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura và thủ lĩnh lực lượng đối lập chính của Syria Riad Hijab. Pháp đã kêu gọi Nhóm quốc tế hỗ trợ Syria (ISSG) khẩn trương tổ chức cuộc họp cấp bộ trưởng nhằm khôi phục lệnh ngừng bắn ở quốc gia Trung Đông này và tạo cơ hội để đàm phán hướng tới một thỏa thuận chính trị cho Syria.
Từ ngày 2-5, các cuộc không kích dữ dội đã đánh trúng phía Đông Aleppo do phe đối lập kiểm soát, chỉ vài ngày sau khi Nga và Mỹ công bố kế hoạch tăng cường lệnh ngừng bắn vốn có hiệu lực từ ngày 27-2 tại hai khu vực là Latakia và Damascus. Ban lãnh đạo Syria và phe đối lập được cho là ôn hòa cùng hai nước Nga và Mỹ đã nhất trí gia hạn cơ chế ngừng bắn tăng cường này thêm 48 giờ cho đến 1 giờ, giờ địa phương ngày 4-5 (tức 5 giờ sáng 4-5 giờ Hà Nội). Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn này không được áp dụng ở Aleppo.
Khủng hoảng nhân đạo
Theo Tổ chức giám sát nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh, khoảng 250 người, trong đó có cả trẻ em, đã thiệt mạng trong những đợt tấn công tại Aleppo. Thành phố này có nguy cơ đối mặt với tình hình khủng hoảng nhân đạo trầm trọng. Điện, nước tại nhiều khu vực bị tê liệt do bị bắn phá dữ dội. Hiện chỉ còn 25 bác sĩ đang phục vụ tại một bệnh viện ở Aleppo để phục vụ cho 250.000 bệnh nhân. Hoạt động cứu trợ không thể diễn ra do các đợt pháo kích.
Đội ngũ hỗ trợ y tế hoạt động tại Aleppo
Theo kết quả một nghiên cứu chung của Liên hiệp quốc và Đại học Tổng hợp Saint Andrews vừa được công bố, kể từ khi nội chiến bùng bổ từ năm 2011 cho đến nay, hơn 80% dân số sống dưới ngưỡng nghèo khổ tại Syria, đất nước đã bị tàn phá bởi nội chiến làm hơn 270.000 người thiệt mạng. Trước khi diễn ra nội chiến con số này là 28%.
Đến cuối năm 2015, 13,5 triệu người, trong đó có 6 triệu trẻ em cần viện trợ lương thực so với con số 1 triệu trẻ em hồi tháng 6-2012. Trong số đó có hơn 4 triệu người sống tại thủ đô Damascus và tại Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy nền kinh tế Syria đã suy giảm 55% trong giai đoạn 2010-2015. Nhà ở và hạ tầng cơ sở bị phá hủy nặng nề, ước tính lên tới con số 90 tỷ USD (79 tỷ EUR).
Đối với ngành nông nghiệp còn khủng khiếp hơn. Trong giai đoạn 2010-2015, GDP nông nghiệp đã giảm 2/3 (60%) và diện tích đất trồng giảm 6 triệu ha xuống còn 3,6 triệu ha, dẫn tới giá hàng nông sản tăng mạnh.
THANH HẰNG (tổng hợp)