Chạy ECMO cứu sống bé gái 31 tháng tuổi bị biến chứng nặng sau mổ tim

Bé gái V.N.K.T (31 tháng tuổi, ngụ tại Đồng Nai) bị suy dinh dưỡng, chỉ nặng 11kg, nhập Bệnh viện Nhi đồng 1 trong trạng thái tím tái, mệt khi khóc hoặc vận động nhiều.
Các bác sĩ đang chăm sóc cho bệnh nhi
Các bác sĩ đang chăm sóc cho bệnh nhi

Ngày 13-10, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết, vừa thực hiện chạy ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể) đối với một trường hợp biến chứng nặng sau mổ tim.

Bé gái V.N.K.T (31 tháng tuổi, ngụ tại Đồng Nai) bị suy dinh dưỡng, chỉ nặng 11kg, nhập Bệnh viện Nhi đồng 1 trong trạng thái tím tái, mệt khi khóc hoặc vận động nhiều.

Khi bé được 24 tháng, khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đã phát hiện bé bị tim bẩm sinh thể nặng nhất, đó là tứ chứng Fallot. Tứ chứng Fallot là bệnh hiếm gặp gây ra bởi sự kết hợp của bốn khuyết tật tim lúc mới sinh.

Những khiếm khuyết bẩm sinh làm ảnh hưởng đến cấu trúc của tim, gây ra máu nghèo oxy trong tim vào phần còn lại của cơ thể. Trẻ sơ sinh và trẻ em với tứ chứng Fallot thường có da màu xanh tím vì không mang đủ oxy.

Do tình trạng bệnh ngày càng nặng, bé ngày càng tím nhiều nên bệnh viện quyết định phẫu thuật sửa chữa triệt để bệnh tim bẩm sinh cho bé. Ca mổ kéo dài và vô cùng phức tạp nhưng đã sửa được các tật tim của bé.

Nhưng chỉ 2 ngày sau ca đại phẫu, bé tiếp tục phải mổ mở xương ức để hồi sức tích cực do tình trạng phù phổi cấp nặng dần sau mổ dẫn đến tổn thương chức năng tim, phổi, thận.

Tuy nhiên, hồi sức tích cực không thành công, bé suy hô hấp nặng và ngưng tim. Cùng với cấp cứu ngưng thở ngưng tim, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn khẩn cấp và quyết định thực hiện kỹ thuật ECMO ngay tại giường bệnh.

Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Nhi đồng 1 thực hiện ECMO đối với bệnh nhân phẫu thuật tim mạch. Các ca ECMO trước đây chủ yếu thực hiện trên các bệnh nhân viêm cơ tim cấp, viêm cơ tim tối cấp.

Theo PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1, khác với các ca ECMO viêm cơ tim, ca này các bác sĩ phải đặt ống thông mạch máu trực tiếp vào tim phải và động mạch chủ của bệnh nhi. Sau khoảng 30 phút, tim của bệnh nhi đã được hệ thống ECMO hỗ trợ.

Bé từ trạng thái suy hô hấp nặng, tím tái, trụy tim mạch đã dần phục hồi, hồng hào trở lại. Sau 1 tuần chạy ECMO, tình trạng bé cải thiện, chức năng co bóp tim và hô hấp phục hồi tốt, bé được cai ECMO và phẫu thuật đóng xương ức, cai máy thở.

Đây là ca ECMO thứ 8 được thực hiện thành công từ khi Bệnh viện Nhi đồng 1 tự tiến hành kỹ thuật ECMO vào cuối năm 2019 đến nay.

Tin cùng chuyên mục