(SGGPO).- Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Bộ LĐ-TB và XH đã ban hành hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 54/2011/NĐ-CP về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo.
Theo đó, đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên gồm: nhà giáo trong biên chế, đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập được nhà nước cấp kinh phí hoạt động, được xếp vào các ngạch viên chức ngành giáo dục và đào tạo; nhà giáo trong biên chế đang làm nhiệm vụ giảng dạy, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học công lập (những đối tượng này không nhất thiết phải xếp vào các ngạch viên chức thuộc ngành GD-ĐT).
Những đối tượng trên có thời gian giảng dạy, giáo dục được tính hưởng phụ cấp thâm niên theo quy định đủ 5 năm (60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.
Đối với các cơ sở giáo dục công lập được ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên, kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên do ngân sách nhà nước đảm bảo và giao trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ sở giáo dục.
Đối với các cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo một phần kinh phí hoạt động, kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên được đảm bảo từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị và nguồn ngân sách nhà nước cấp.
Đối với các cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo kinh phí hoạt động, kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên được đảm bảo từ nguồn thu tự đảm bảo kinh phí hoạt động của đơn vị.
Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20-2. Chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo được tính hưởng kể từ ngày 1-5-2011.
Lâm Nguyên