Chế tài hành vi tung tin đồn thất thiệt

Thời gian gần đây, có nhiều người đã tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận. Pháp luật nước ta đã có quy định cụ thể chế tài hành vi này.
Công an làm việc với chị Việt Tr. về nội dung thông tin sai sự thật trên Facebook. Ảnh: Công an cung cấp
Công an làm việc với chị Việt Tr. về nội dung thông tin sai sự thật trên Facebook. Ảnh: Công an cung cấp

Điểm d, khoản 1, Điều 8 Luật An ninh mạng 2018 quy định nghiêm cấm hành vi sử dụng không gian mạng để “thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”. Theo đó, người nào có hành vi vi phạm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP, hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với tổ chức, từ 10 triệu đến 15 triệu đồng đối với cá nhân. Mới đây, ngày 3-2-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử chính thức, sẽ có hiệu lực áp dụng từ ngày 15-4-2020, thay thế Nghị định 174/2013/NĐ-CP. Theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, hoặc cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với tổ chức, từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với cá nhân. 

Trường hợp người bịa đặt, loan truyền những thông tin mình biết rõ là sai sự thật nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm, hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của người khác, có thể bị truy cứu tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 đã được sửa đổi, bổ sung với mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Ngoài ra, tùy thuộc tính chất của hành vi, mức phạt cao nhất có thể lên đến 7 năm tù. Nếu không phải là người trực tiếp bịa đặt, tung tin thất thiệt nhưng có hành vi đưa những thông tin trái với quy định pháp luật đó lên mạng để thu lợi bất chính, hoặc gây thiệt hại, gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 đã được sửa đổi, bổ sung, với mức phạt tù cao nhất là 7 năm.

Việc phát ngôn, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội đều phải nằm trong khuôn khổ pháp luật, không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng khác. Nếu vượt quá khuôn khổ pháp luật cho phép thì bị xem là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử lý theo quy định. Do đó, cá nhân khi sử dụng mạng xã hội phải có trách nhiệm về thông tin mình đăng tải, cũng như tỉnh táo khi tiếp nhận các thông tin trên mạng.

Tin cùng chuyên mục