Tiêu chí xuất xứ hàng dệt may nhập khẩu vào Nhật Bản

Chỉ có doanh nghiệp sản xuất FOB... vui!

Cơ hội thuế suất 0%
Chỉ có doanh nghiệp sản xuất FOB... vui!

Trong đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (EPA), Nhật Bản đã đưa ra tiêu chí về xuất xứ đối với sản phẩm hàng dệt may Việt Nam nhập khẩu vào Nhật Bản: Việt Nam chỉ được sử dụng nguồn nguyên phụ liệu (NPL) nội địa, từ Nhật Bản và các nước ASEAN để sản xuất. Nếu chấp nhận điều kiện xuất xứ này, tất cả sản phẩm hàng dệt may Việt Nam nhập khẩu vào Nhật Bản sẽ không chịu các loại thuế. Khi EPA được ký kết và có hiệu lực, ngay lập tức thuế suất hàng dệt may Việt Nam vào Nhật Bản sẽ bằng 0%, thay cho mức thuế khoảng 10% hiện nay.

Cơ hội thuế suất 0%

Chỉ có doanh nghiệp sản xuất FOB... vui! ảnh 1

Dây chuyền sản xuất áo sơ mi xuất khẩu sang Nhật của Công ty May Việt Tiến. Ảnh: K.T.G.

Đây là cơ hội thuận lợi đối với doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam, tuy nhiên, xét về thực lực sản xuất NPL của Việt Nam, Nhật Bản và các nước ASEAN thì đây là một điều kiện khó khăn cho DN Việt Nam. Thực tế, ngành dệt Việt Nam chưa thể đáp ứng được nhu cầu cho ngành may mặc trong nước, 80% nguồn NPL hiện nay phải nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu nhập từ Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan, Hồng Công (Trung Quốc). Theo số liệu của Hiệp hội Dệt May Việt Nam, NPL nhập khẩu từ Nhật Bản chỉ chiếm trên 10%, tỷ lệ NPL nhập từ các nước trong khu vực ASEAN còn thấp.

Dự kiến EPA sẽ kết thúc trước tháng 11-2008 và có hiệu lực ngay sau đó. Nếu Việt Nam không chấp nhận điều kiện này, hàng dệt may Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong cạnh tranh với hàng dệt may của các nước ASEAN vốn đã được hưởng mức thuế 0% vào Nhật Bản, và cũng khó có cơ hội nắm bắt thị phần đang có xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ngược lại, nếu chấp nhận điều kiện này, ngành dệt trong nước phải tăng tốc vì với tình hình đầu tư cho ngành dệt hiện nay, ít nhất cũng phải mất 5 năm đến 10 năm, ngành dệt Việt Nam mới có thể thay đổi, nội địa hóa được nguồn NPL sản xuất. Và còn phải có nhiều giải pháp đầu tư trong việc sử dụng nguồn NPL từ Nhật Bản và các nước ASEAN để đáp ứng được tiêu chí xuất xứ đưa ra.

Cần một thỏa hiệp hợp lý

Trước thông tin này, có lẽ chỉ có DN sản xuất FOB (tự mua NPL, bán thành phẩm) vui mừng. Thực thế, hầu hết DN trong nước chỉ làm hàng gia công, tỷ lệ làm hàng FOB rất thấp chỉ khoảng 20-30%, trong tổng sản lượng hàng dệt may xuất khẩu hàng năm. Với con số 20%-30% trên, chắc chắn tỷ lệ sẽ thu hẹp dần cho xuất khẩu riêng vào thị trường Nhật Bản và tỷ lệ càng thu hẹp trong DN sử dụng NPL sản xuất đáp ứng theo tiêu chí xuất xứ ở trên. Hiện hàng dệt may xuất khẩu sang Nhật chiếm khoảng 20%.

Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 cho biết, thông tin này là niềm vui và cơ hội lớn cho DN, hiện tại 50% sản lượng của DN xuất khẩu vào thị trường Nhật, sản phẩm chủ yếu là quần kaki, quần tây. Hiện phần lớn hàng FOB xuất đi Nhật đều sử dụng nguồn NPL nằm trong tiêu chí xuất xứ đưa ra ở trên. Tỷ lệ thuế được giảm 10% so với đơn hàng FOB là rất lớn. Việc này sẽ nâng cao sức cạnh tranh của DN, tăng cơ hội nắm bắt việc dịch chuyển từ thị trường Trung Quốc sang các nước ASEAN của các nhà nhập khẩu.

Ông Đinh Ngọc Tú, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Thành Công nhận xét, hiện đơn hàng của DN xuất đi Nhật tăng lên hàng năm, chiếm khoảng 20% sản lượng của DN, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là T-shirt. So với tiêu chí trên, nguồn NPL do DN tự sản xuất nên sẽ được lợi thế. Tuy nhiên, trong trường hợp miễn thuế, chắc chắn các nhà nhập khẩu sẽ thảo luận để giảm giá đơn hàng. Và so với tình hình giá cả xăng dầu, bông sợi, nhân công… tăng lên mỗi ngày như hiện nay, thì giá trị 5%-10% mức thuế nhập khẩu được miễn sẽ chẳng thấm vào đâu trong chi phí của DN.

Còn ông Nguyễn Ân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần SX –TM May Sài Gòn nhận định, với DN sản xuất hàng gia công thì vấn đề được miễn thuế không có nhiều tác động. Thực tế, DN gia công cần số lượng, làm hàng đi các nước có lợi nhuận cao hơn so với làm hàng xuất đi Nhật, vì Nhật là thị trường khó tính, gia công phải rất cẩn trọng và tỉ mỉ. Ngay chính nhà nhập khẩu Nhật, họ cũng sử dụng nguồn NPL của Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) để gởi cho các đối tác gia công vì giá bán, chất lượng cạnh tranh hơn so với nguồn NPL từ ASEAN.

Tuy nhiên, cũng còn nhiều ý kiến lo ngại xoay quanh vấn đề xuất xứ này. Theo các DN dệt may, dù Nhật Bản đã đầu tư khoảng 55 nhà máy dệt tại các nước ASEAN (tại Việt Nam chỉ có 1 nhà máy) nhưng nguồn NPL cung ứng khó có thể đáp ứng được nhu cầu làm hàng xuất khẩu, nhất là đối với thị trường “khó tính” như Nhật Bản. DN dệt may sẽ gặp khó khăn trong việc tìm mua nguồn NPL để vừa đáp ứng số lượng và chất lượng đơn hàng, vừa thỏa mãn yêu cầu xuất xứ. Vì vậy, không ít DN kiến nghị trên bàn đàm phán, Việt Nam cần đưa ra hướng thỏa hiệp hợp lý trước thực tế hiện nay.

Mỹ Hạnh

Tin cùng chuyên mục